Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 13,9% (4,17 USD) lên 31,11 USD/thùng. Phiên liền trước, dầu Brent có lúc tăng 47% - mức tăng trong ngày nhiều nhất từ trước tới nay – và kết thúc phiên vẫn tăng mạnh 21%. Tính chung cả tuần này, dầu Brent tăng 36,8%, tuần tăng mạnh chưa từng có.
Dầu Tây Texas (WTI) phiên vừa qua tăng 3,02 USD (11,93%) vào lúc đóng cửa, lên 28,31 USD/thùng. Tính chung cả tuần, WTI tăng 31,8% - cũng là tuần tăng nhiều nhất từ trước tới nay.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định Nga và Saudi Arabia sẽ đàm phán để kết thúc cuộc chiến giá dầu – điều đã khiến dầu mỏ lao dốc suốt một tháng qua, mất hơn một nửa giá trị.
OPEC đã lên lịch họp khẩn cấp vào ngày 6/4 để bàn bạc về việc cắt giảm sản lượng. Ngày 3/4, ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều đã có cuộc họp riêng rẽ với các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Ông Trump cho biết Mỹ vẫn chưa nhất trí cắt giảm sản lượng của mình. Luật pháp Mỹ cấm việc hợp tác cắt giảm sản lượng dầu.
Giá dầu tăng hơn 13% do kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận (Ảnh minh họa: Internet) |
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế nhận định, kể cả việc cắt giảm mạnh sản lượng vào lúc này cũng không làm giảm nhiều tình trạng cung vượt cầu, do nhu cầu giảm mạnh bởi Covid-19 ngày càng diễn biến xấu. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Fatih Birol, cho biết, nếu OPEC+ giảm cung 10 triệu thùng/ngày, các kho chứa dầu trên toàn cầu sẽ vẫn tăng 15 triệu thùng/ngày trong quý II/2020. Tuy nhiên, theo ông Per Magnus Nysveen của Rystad Energy thì ít ra thì việc giảm 10 triệu thùng/ngày trong sản lượng cũng sẽ giúp thế giới có thêm khoảng 3 tuần để chuẩn bị cho thời điểm cạn kiệt chỗ chứa dầu.
Tỉnh Alberta của Canada, nơi có kho chứa dầu lớn thứ 3 thế giới, đã sẵn sàng hợp tác với bất kỳ thỏa thuận nào có thể đạt được trên toàn cầu với mục tiêu giảm cung dầu thô. Trái lại, Mexico chưa có kế hoạch cắt giảm sản lượng ở công ty dầu mỏ quốc doanh Pemex, mặc dù việc khai thác dầu ở quốc gia này đắt đỏ nhất thế giới.
VT