Sau kỷ lục 12 ngày giảm giá liên tiếp và một ngày mất giá mạnh nhất trong hơn 3 năm, thị trường dầu đã đảo chiều sau khi Reuters thông tin rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác của họ đang bàn luận một đề xuất cắt giảm sản lượng lên tới 1,4 triệu thùng/ngày nhiều hơn so với các quan chức đã đề cập trước đó.
Ảnh Internet |
Dầu Brent chốt phiên tăng 65 US cent hay 1% lên 66,12 USD/thùng, trong phiên có lúc lên mức 67,63 USD/thùng. Dầu thô WTI giao sau tăng 56 US cent hay 1,01% đóng cửa tại 56,25 USD/thùng sau khi giảm 12 phiên liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017.
Sau phiên giao dịch, giá đã giảm do báo cáo của Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tăng 8,8 triệu thùng trong tuần trước lên 440,7 triệu thùng, so với dự đoán của giới phân tích chỉ tăng 3,2 triệu thùng.
Thị trường dầu mỏ cũng chịu áp lực bởi nguồn cung đang tăng từ OPEC, Nga, Mỹ và các nhà sản xuất khác, cùng với những lo lắng rằng kinh tế toàn cầu chậm lại có thể làm giảm nhu cầu năng lượng. Điều này đã thúc đẩy giá dầu Brent giảm hơn 20% kể từ đầu tháng 10, mức sụt giảm lớn nhất kể từ khi giá dầu sụt giảm trong năm 2014.
Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) đối với cả dầu Brent và dầu WTI vẫn dưới 30, một mức kỹ thuật thường xem như dấu hiệu thị trường giảm quá nhiều.
Trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2018 và 2019 không đổi so với tháng trước, nhưng giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu của các nước không thuộc OECD, động cơ tăng tiêu thụ dầu trên thế giới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ từ 7 khu vực đá phiến chính tăng lên mức kỷ lục 7,94 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2018. Hầu hết giới phân tích dự kiến sản lượng của Mỹ tăng trên 12 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019.
VT