Kể từ khi Xerox tuyên bố hủy thỏa thuận hôm 13/5, Fujifilm đón nhận cú sốc với thái độ không thể vui nổi đã đầu tư nhiều thời gian và công sức đàm phán và cuối cùng họ đi đến quyết định đâm đơn kiện Xerox lên tòa án liên bang Manhattan, để đòi bồi thường thiệt hại hơn 1 tỷ USD.
“Gương vỡ” khó lành
Trước đó, vào tháng 1/2018, hai bên từng phấn khởi ra thông báo chung về thương vụ sáp nhập được kỳ vọng sẽ thắt chặt mối quan hệ hữu hảo lâu dài, sau khi đã đồng hành trong liên doanh Fuji Xerox suốt 50 năm qua.
Đây là một thỏa thuận khá “vòng vèo” về dòng tiền, khi liên doanh Fuji Xerox (Fujifilm sở hữu 75%) dự định bỏ ra 6 tỷ USD để mua cổ phần của Fujifilm tại liên doanh, sau đó, Fujifilm sẽ dùng 6 tỷ USD này để mua lại 50,1% cổ phần của Xerox.
Thương vụ “bom tấn” trên hứa hẹn nhiều cơ hội kinh doanh trị giá hàng tỷ USD, đồng thời nâng cao giá trị và nâng tầm cả hai doanh nghiệp. Nhưng khi mọi thứ bất ngờ trở thành công cốc chỉ trong chớp mắt, Fujifilm không còn cách nào khác là phải làm cho “ra ngô ra khoai” để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trong đơn kiện gửi đến tòa án, Fujifilm cáo buộc hội đồng quản trị Xerox đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hồi tháng 1/2018 và áp lực từ bên ngoài đã khiến Xerox thay đổi quyết định.
Cụ thể là “chiêu trò” của hai nhà đầu tư Carl Icahn và Darwin Deason - những người dù chỉ sở hữu một lượng nhỏ cổ phần nhưng lại lôi kéo được hội đồng quản trị Xerox đi chệch hướng ban đầu.
Ông Icahn từng ủng hộ việc sáp nhập, thậm chí còn thúc giục Xerox bán cho Fujifilm sau khi công ty Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm vào năm 2017. Tuy nhiên, khi bức tranh chi tiết về thương vụ này dần thành hình, với việc Fujifilm muốn mua toàn bộ Xerox từ các nhà đầu tư, thì Icahn lại quay ngoắt thái độ.
Ông Deason sau đó cũng đứng về phía Icahn phản đối thỏa thuận này. Tháng 5/2018, cả hai tuyên bố sẽ chỉ xem xét bán nếu nhận được lời đề nghị tối thiểu 40 USD/cổ phiếu, tức là định giá Xerox hơn 10 tỷ USD.
Theo Fujifilm, quyết định hủy thỏa thuận hôm 13/5 vừa qua về cơ bản là một âm mưu nhằm chiếm quyền kiểm soát công ty của hai ông Icahn và Deason, cũng như tìm cách cơ cấu lại thành phần hội đồng quản trị Xerox theo hướng “cài cắm” những người quan hệ lâu dài với hai nhà đầu tư này.
![]() |
Fujifilm và Xerox đã từng có mối quan hệ hữu hảo suốt 50 năm qua |
Lý lẽ của người trong cuộc
Trước đây, Icahn và Deason cho rằng lời đề nghị mà Fujifilm đưa ra hồi tháng 1 đã định giá quá thấp giá trị thực của Xerox, trong khi công tác quản trị điều hành thiếu bài bản đẩy Xerox vào một thương vụ bất lợi. Chính vì thế, hai nhà đầu tư (nắm giữ khoảng 13% cổ phần Xerox) quyết định đấu tranh.
Tháng 2/2018, Deason kiện Xerox lên tòa án tiểu bang Manhattan, yêu cầu tòa ngăn chặn thỏa thuận sáp nhập và cáo buộc giám đốc điều hành Jefff Jacobson lạm quyền khi gật đầu với một thương vụ có lợi cho chiếc ghế đang ngồi, mà không đoái hoài đến quyền lợi bị ảnh hưởng của các cổ đông.
Hai tháng sau, tòa án ra phán quyết cấm Xerox tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến cổ đông về việc sáp nhập tại đại hội cổ đông thường niên. Fujifilm đương nhiên không chấp nhận quyết định này, nên đã khiếu nại và yêu cầu tòa án rút lại lệnh cấm trên.
Trong khi đó, Icahn và Deason cũng rất tích cực vận động hành lang và cuối cùng đã đạt được thỏa thuận “điều đình” với Xerox. Cụ thể, Xerox phải rút khỏi thỏa thuận với Fujifilm và Keith Cozza, Giám đốc điều hành của Icahn Enterprises trở thành tân chủ tịch của công ty. Ông John Visentin đã thay thế Jeff Jacobson làm giám đốc điều hành của Xerox.
Xerox khẳng định ban lãnh đạo cũ đã hoàn toàn chính xác khi ra quyết định chấm dứt thỏa thuận với Fujifilm với lý do còn nhiều vấn đề về kế toán chưa được giải quyết và ngày càng trầm trọng tại liên doanh Fuji Xerox giữa hai công ty.
Hải Châu