Ông Randy Tinseth, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing mảng máy bay thương mại, Tập đoàn Hàng không Boeing - tập đoàn hàng không lớn nhất trên thế giới và cũng là nhà sản xuất máy bay thương mại và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hậu mãi hàng đầu, cho biết Boeing hướng tới các nhà cung ứng linh kiện đảm bảo các tiêu chuẩn như có khả năng về cơ sở công nghệ, chi phí sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm cao.
Ông Randy Tinseth, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing mảng máy bay thương mại, Tập đoàn Hàng không Boeing |
Xin ông cho biết, Boeing đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển thị trường hàng không Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng?
- Với sự phát triển và tăng trưởng nhanh của nền kinh tế cùng nhu cầu ngày càng tăng cao đối với các dịch vụ vận tải đường dài, các đối tác hàng không của Boeing tại thị trường Đông Nam Á sẽ cần thêm 940 máy bay thân rộng với tổng trị giá 280 tỷ USD trong vòng 20 năm tới.
Trong đó, thị trường Việt Nam là khu vực tăng trưởng tốt. Mười năm qua, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, mỗi năm lưu lượng đi lại của hành khách trong nước tăng trưởng hơn 20%, đi ra nước ngoài tăng trưởng hơn 10%. Năm 2018 được nhận định sẽ là năm tăng trưởng ngoạn mục của ngành hàng không Việt Nam.
Chúng tôi còn nhận thấy sự thay đổi về thị phần giữa các hãng hàng không ở Việt Nam, hàng không giá rẻ đang ngày càng cho thấy sức ảnh hưởng.
Nếu cách đây 10 năm, 85% hành khách đi bằng Vietnam Airlines, thì hiện nay, tỷ lệ này là 50-50 giữa Vietnam Airlines và VietjetAir.
Là một nhà sản xuất máy bay thương mại, xin ông cho biết xu hướng sử dụng máy bay hiện nay?
Xu hướng sử dụng máy bay hiện nay đang chuyển dần từ dòng máy bay thân rộng cỡ lớn sang các máy bay thân rộng cỡ nhỏ và hiệu quả hơn.
Với những biến động liên tục của giá nhiên liệu, trong vài năm vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm của các dòng máy bay 4 động cơ như Boeing 747 và A380. Khoảng 30 năm về trước, các máy bay thân rộng cỡ lớn này chiếm khoảng 30% tổng số máy bay trên thế giới, hiện đã giảm xuống chỉ còn khoảng 10%. Đồng thời, các loại máy bay nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn như các máy bay 787 tiếp tục gây sức ép với các dòng máy bay cỡ lớn.
Đặc biệt, khoảng 65% nhu cầu về các loại máy bay thân rộng tại thị trường Đông Nam Á trong tương lai sẽ hướng đến các dòng máy bay cỡ nhỏ hơn như 787 Dreamliner, trong khi 35% còn lại sẽ hướng đến các dòng máy bay thân rộng cỡ trung như 787-10 và thế hệ máy bay 777. Từ khi được triển khai vào năm 2011, máy bay 787 Dreamliner đã giúp các hãng hàng không trên thế giới mở thêm hơn 180 đường bay mới.
Các dòng máy bay thân rộng đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng tại thị trường Việt Nam, nhất là khi Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đang có kế hoạch bổ sung cho đội bay tầm cỡ thế giới của họ các phiên bản mới hơn của dòng máy bay 787 trong tương lai gần.
Hiện nay, với con số 100 đơn hàng từ VietjetAir với máy bay 737, rõ ràng cơ hội tăng trưởng của Boeing rất tuyệt vời.
Đang có hiện tượng một số hãng hàng không giá rẻ cắt giảm tối đa chi phí, không thường xuyên bảo dưỡng các loại máy bay? Ông có lo ngại gì về việc này?
Không chỉ riêng Việt Nam, mô hình hàng không giá rẻ trên thế giới đang tăng trưởng mạnh và nhanh. Khi chúng tôi nhìn vào phân tích dự báo yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng không nhanh nhất cũng chính là những hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, trong hoạt động hàng không, đảm bảo an toàn cực kỳ quan trọng. Vì thế dù chúng ta cố gắng giảm chi phí cũng không thể thỏa hiệp về an toàn.
Chúng tôi hoạt động trong ngành sản xuất máy bay luôn cố gắng có con số "zero" về thương vong, tai nạn máy bay. Nguyên tắc tuyệt đối là không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề an toàn. Không có sự đánh đổi nào có thể chấp nhận.
An toàn bay là vấn đề cực kỳ quan trọng với nhà sản xuất, nhà quản lý, đơn vị vận hành. Chúng ta thấy đơn vị quản lý, hãng hàng không Việt Nam quan tâm tới mở đường bay thẳng sang Mỹ cũng phải đáp ứng tiêu chí đầu tiên là an toàn. Đây là thỏa thuận của cơ quan thẩm quyền về đảm bảo an toàn bay giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam. Boeing sẽ hỗ trợ cho cơ quan quản lý hai bên về việc này.
Rất nhiều nhà sản xuất Việt Nam muốn được cung cấp linh phụ kiện cho Boeing, bản thân Boeing có kế hoạch sử dụng linh kiện Việt Nam như thế nào?
Trong chuỗi cung ứng của chúng tôi, nhiều đối tác đang lấy nguồn từ Việt Nam. Họ chọn Việt Nam vì họ hài lòng về linh kiện mà nhà sản xuất Việt Nam tạo ra. Boeing cũng rất mong muốn điều này, vì vậy chúng tôi đã chủ động đi tìm nguồn linh kiện như vậy.
Chúng tôi luôn tìm kiếm đơn vị có khả năng mạnh về cơ sở công nghệ, chi phí sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm cao. Trong tương lai chúng tôi tiếp tục thăm dò thêm đội ngũ cung ứng Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác.
Hiện nay, chúng tôi đã tiếp cận và làm việc với một nhà cung ứng Việt Nam và họ đã cung ứng linh kiện như cửa cho máy bay 777.
Nhật Linh thực hiện