Trọng hồ sơ vụ kiện, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng Đức, Anh, Pháp, Italia, Romania và Hungary đã không đáp ứng các yêu cầu về ngưỡng phát thải oxit nitơ (NO) và các chất dạng hạt trôi nổi trong không khí, chủ yếu bắt nguồn từ giao thông đường bộ, các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và hệ thống sưởi ấm.
Bỏ qua quá nhiều cơ hội
EU cũng gửi thư cảnh báo tới Đức và các thành viên khác, yêu cầu bổ sung thông tin về quy trình cấp giấy phép cho các phương tiện được tham gia giao thông. Việc này được cho là gắn với cuộc điều tra liên quan đến bê bối gian lận khí thải của Volkswagen (VW).
Kết quả dự kiến của vụ kiện sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến VW, Daimler và BMW, vì ngành công nghiệp xe hơi của Đức phụ thuộc nhiều vào động cơ diesel hơn so với các đối thủ khác.
Động thái của EU là thông tin rất tích cực cho những người đang vận động chính sách cấm phương tiện chạy động cơ diesel ở các thành phố lớn của Đức.
Động cơ diesel là nguồn phát thải chính khí NO, nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề về đường hô hấp cho người dân. Theo quy định của EU, các quốc gia thành viên phải kiểm soát loại khí này dưới mức 40 microgam/m3.
Trong năm 2017, tức là 7 năm sau thời hạn cuối, mức NO trung bình ở Stuttgart, quê hương của các hãng xe Mercedes - Benz và Porsche, vẫn gấp đôi ngưỡng cho phép. Khoảng 65 thành phố khác của Đức cũng không đạt được mục tiêu đề ra.
Theo lời ông Karmenu Vella - Ủy viên EC về môi trường, 6 quốc gia bị kiện đã được nhiều lần gia hạn và nhân nhượng nhưng chưa cải thiện tình hình là bao. Ông Vella tin tưởng khi EU “làm rắn” hơn, mọi việc sẽ được xúc tiến nhanh hơn và mang lại lợi ích cho người dân.
Còn nhớ cách đây 3 tháng, tòa án hành chính tối cao của Đức từng ra phán quyết mang tính đột phá, theo đó buộc các thành phố dừng lưu thông xe đời cũ chạy diesel ở khu vực nội đô nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Phán quyết này đồng thuận với quan điểm của các tòa án cấp thấp hơn rằng việc cấm xe động cơ diesel trong nội thành là cách hiệu quả nhất để nhanh chóng cắt giảm khí thải và đáp ứng ngưỡng quy định về ô nhiễm của EU.
Tận dụng các khoản trợ cấp thuế và các quy định thông thoáng của chính phủ, ngành công nghiệp xe hơi của Đức đã đầu tư mạnh vào động cơ diesel như một công nghệ để đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn về khí thải carbon dioxide mà vẫn bảo đảm lợi nhuận.
Khi các tiêu chuẩn một lần nữa sẽ bị thắt chặt vào năm 2021, các nhà sản xuất xe hơi có nguy cơ bị phạt tiền khi người tiêu dùng tẩy chay động cơ diesel.
Động cơ diesel là nguồn phát thải chính khí NO |
Áp lực dồn cả lên Đức
Thủ tướng Đức Angela Merkel, dưới áp lực phải hạn chế tối đa những chính sách gây hại cho doanh nghiệp sản xuất xe hơi trong nước, cho biết chính phủ của bà đã thực hiện nhiều biện pháp chưa từng có để giảm thiểu ô nhiễm do động cơ diesel và sẽ theo đuổi các biện pháp đó, đồng thời tin tưởng nước Đức sẽ có những bước tiến vượt bậc trên một số khía cạnh.
Trong bối cảnh vụ bê bối gian lận của VW, EC vào năm 2016 đã mở các cuộc điều tra nhằm vào Đức, Luxembourg và Vương quốc Anh về cách họ kiểm định và cấp phép cho các phương tiện tham gia giao thông.
Ủy viên EC về Công nghiệp - bà Elzbieta Bienkowska, khẳng định: “Chúng ta sẽ chỉ thành công trong công tác chống ô nhiễm không khí đô thị nếu ngành xe hơi thực hiện đúng vai trò của nó… Những nhà sản xuất thờ ơ với luật pháp sẽ phải chịu hậu quả cho những sai phạm của họ”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Andreas Scheuer lên tiếng phản đối và phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng nước này đã vi phạm quy định của EU về cấp phép xe hơi, bởi nước Đức đã thực hiện “các biện pháp hiệu quả và nhất quán”.
Ông Scheuer cũng bổ sung thêm rằng các công ty xe hơi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi gian lận của họ.
“Không một quốc gia thành viên nào thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt và rộng khắp như Đức và cũng không có quốc gia nào phối hợp làm việc với Ủy ban một cách cởi mở và minh bạch như Đức”, ông Scheuer nói.
Hải Châu