Nhà máy liên doanh trên mở cửa vào năm 2017, với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD và công suất 200.000 mẫu Focus mỗi năm.
Ford là một trong một số các nhà sản xuất xe hơi đang phải cắt giảm sản lượng tại Trung Quốc - thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, nơi số lượng xe chở khách xuất xưởng của Ford năm 2018 giảm 4% xuống còn 23 triệu chiếc, lần giảm đầu tiên của tập đoàn này trong gần 3 thập kỷ qua.
Trâu chậm uống nước đục
Trung Quốc chiếm 30% doanh số bán xe toàn cầu và các công ty ôtô nước ngoài chiếm 2/3 thị trường. Điều đó có nghĩa là liên doanh của các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp Trung Quốc đang bước vào giai đoạn khó khăn.
Tất nhiên, cơ hội vẫn dành cho một số thương hiệu khéo xoay sở làm ăn. Doanh số của liên doanh giữa Toyota với Guangzhou Automobile đã tăng gần 35% trong năm ngoái, trong khi của liên doanh BMW với Brilliance Auto tăng 20%.
Tình cảnh trái ngược trên xuất phát từ nhiều yếu tố: Từ tốc độ “ra lò” các dòng xe mới, khả năng cạnh tranh với đối thủ bản địa, quan hệ với các đại lý, dịch vụ hậu mãi và ấn tượng của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm… Tổng hòa những yếu tố này có thể quyết định vận mệnh của một thương hiệu tại Trung Quốc.
Ford khởi đầu tương đối muộn ở Trung Quốc so với các đối thủ GM và Volkswagen. Nhiều năm do dự vì những lý do nội bộ, cộng thêm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến Ford không tạo được dấu ấn trên thị trường tỷ dân cho đến mãi năm 2012.
Hai liên doanh của Ford tại Trung Quốc hưởng lợi từ nhu cầu cao của người tiêu dùng đối với các dòng Escort, Focus và Edge. Doanh số bán hàng của Ford tại Trung Quốc trong giai đoạn 2012 - 2016 tăng gấp đôi, đạt hơn 1,2 triệu chiếc. Các mẫu Focus và Escort đủ điều kiện tham gia chương trình trợ giá do chính phủ Trung Quốc ban hành năm 2015 áp dụng cho các phương tiện có động cơ từ 1,6 lít trở xuống.
Nhưng tình hình làm ăn của Ford tại liên doanh chủ lực với Changan bắt đầu xuống dốc từ năm 2017, khi các khoản trợ giá bị cắt dần và đến khi bị cắt hẳn vào năm 2018 thì doanh số giảm tới 54%. Giới phân tích cho rằng Ford quá “lề mề” trong việc tung các mẫu xe mới ra thị trường.
Một số lao động từng làm việc cho Ford tiết lộ rằng thị trường không thuận lợi đã khiến hàng trăm nhân công mất việc làm tại nhà máy Changan Ford ở Trùng Khánh kể từ tháng 12/2018.
Chuyên gia Jochen Siebert của công ty tư vấn JSC Automotive cho rằng vấn đề thực sự của Ford nằm ở chu kỳ các mẫu xe, khi mà phần lớn các sản phẩm của công ty này đang bước sang năm thứ 5 hoặc thứ 6 của vòng đời, thời điểm doanh số giảm nhanh chóng.
![]() |
Nhà máy Changan Ford ở thành phố Cáp Nhĩ Tân |
Danh tiếng thúc đẩy doanh số
Ford đã cố gắng khắc phục khi tung ra các phiên bản saloon và hatchback mới cho dòng Focus vào năm ngoái, nhưng sau đó thị trường lại rơi vào suy thoái, khiến việc thu hút khách hàng mới trở nên khó khăn hơn.
Điều an ủi cho Ford là vì gia nhập muộn, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm phần nhỏ trong doanh số bán hàng toàn cầu của Ford. Trong khi đối với GM và Volkswagen, đây là thị trường lớn nhất của họ. Thương hiệu Lincoln của Ford kinh doanh khá khẩm hơn một chút, phản ánh nhu cầu cao của người tiêu dùng đối với các dòng xe cao cấp.
Ford hẳn là rất ghen tị khi nhìn sang Toyota. Tập đoàn ôtô Nhật Bản đạt kỷ lục bán 1,5 triệu chiếc tại Trung Quốc trong năm 2018 bất chấp suy thoái và đang nhắm mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay. Mẫu Corolla của Toyota đang là sản phẩm chủ lực.
Theo giới chuyên gia thì tại Trung Quốc, Toyota nổi tiếng về chất lượng cao, dịch vụ tốt, xe giữ giá và liên tục có sản phẩm mới tung ra thị trường. Đó là những yếu tố cơ bản giúp Toyota nổi trội trong một thị trường khó nhằn.
Năm ngoái, giá xăng Trung Quốc tăng liên tục khiến người dân ngần ngại mua ôtô, nhưng Toyota lại “mừng thầm” vì các dòng xe của hãng này khá tiết kiệm xăng.
“Một khi phải thay chiếc xe thứ hai hoặc thứ ba của mình thì bạn nhận ra tầm quan trọng của chất lượng và mức tiêu thụ nhiên liệu. Về vấn đề này, xe hơi Nhật Bản làm rất tốt”, ông Yale Zhang - người sáng lập công ty tư vấn AutoForesight, cho biết.
Hải Châu