Hãng sản xuất ô tô Mỹ dự kiến sẽ tốn kém 460 triệu USD chi phí liên quan đến việc khai tử hoạt động kinh doanh dòng xe tải hạng nặng trên toàn bộ khu vực Nam Mỹ.
Trong năm nay, tập đoàn này sẽ tạm dừng sản xuất tại nhà máy lắp ráp São Bernardo do Campo, nơi sử dụng gần 2.800 công nhân chế tạo dòng xe tải F-4000 và F-350, cùng dòng xe nhỏ Fiesta.
Thiệt thòi cho người lao động
Chủ tịch Ford Nam Mỹ Lyle Watters cho hay: “Chúng tôi biết quyết định này sẽ có tác động lớn đến nhân viên của mình ở São Bernardo và chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên liên quan trong các bước tiếp theo”.
Một quan chức khác của Ford thừa nhận sẽ có một tác động đáng kể đến tình hình công ăn việc làm tại địa phương và công ty đang phối hợp với công đoàn để xác định số lượng nhân sự cần cắt giảm.
Tổng thống Brazil, người vừa nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, từng cam kết sẽ kịp thời triển khai các biện pháp sâu rộng để khôi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Bolsonaro chưa nhận được nhiều sự ủng hộ và đóng góp từ các nhà sản xuất ô tô Mỹ bởi chính những doanh nghiệp này còn đang phải xử lý cơn đau đầu của riêng mình sau nhiều năm thua lỗ.
Trước khi chính thức ra quyết định đóng cửa nhà máy, Ford từng công khai ý định tìm đối tác hoặc sang nhượng mảng kinh doanh xe tải hạng nặng của mình. General Motors cũng đang cân nhắc các phương án xử lý công ty con của mình ở Nam Mỹ và từng không ít lần than thở về môi trường kinh doanh ở Brazil.
Giám đốc điều hành Ford Jim Hackett được giao nhiệm vụ tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp và vẫn chú trọng vào mảng kinh doanh xe tải thương mại ở các thị trường khác trên thế giới. Tổng thu nhập trước thuế và lãi vay của Ford đã giảm mạnh vào năm ngoái, một phần do thua lỗ 678 triệu USD ở Nam Mỹ.
Nhà máy của Ford ở São Bernardo |
Vận nước chưa lên, nỗi lo đã ập đến
Cho dù cuộc bầu cử Tổng thống Brazil từng mang lại hy vọng cho người dân nước này và giúp chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng lên mức cao trong nhiều năm qua, nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét. Tỷ lệ thất nghiệp đã chấm dứt đà giảm trong quý IV/2018, song doanh số bán lẻ lại giảm 2,2% trong tháng 12/2018 so với tháng trước đó và sản lượng xe hơi trong tháng 1/2019 giảm 10% so với một năm trước. Thực tế này khiến giới phân tích buộc phải cắt giảm dự báo tăng trưởng của Brazil trong năm nay.
Ford cho biết họ buộc phải khai tử hoạt động kinh doanh xe tải thương mại ở Nam Mỹ một phần vì chi phí tuân thủ pháp lý tăng cao, khiến công ty không còn “cửa” nào để đạt được lợi nhuận dương. Công ty này đã cắt giảm hơn 20% chi phí hành chính và lương thưởng của người lao động ở khu vực này trong vài tháng gần đây.
Ford khai trương nhà máy São Bernardo vào năm 1967 và đã bán xe hơi vào thị trường Nam Mỹ suốt hơn một thế kỷ qua, trong đó chủ yếu là ở Brazil, Argentina và Venezuela, với dòng bán tải Ranger thường xuyên nằm trong tốp những sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất trong khu vực. Hãng sản xuất ô tô này có tám nhà máy sản xuất và sử dụng hơn 13.600 lao động ở Nam Mỹ, theo số liệu báo cáo mới nhất.
Chevrolet của General Motors hiện là công ty dẫn đầu thị trường Nam Mỹ, song CEO Mary Barra cho biết cách đây chưa lâu rằng những khó khăn trong hoạt động ở Brazil và Argentina đã tạo ra những khoản lỗ “không thể chấp nhận được” và cần phải giải quyết ngay.
Tại một hội nghị của nhà đầu tư, bà Barra cho biết General Motors đã bắt đầu làm việc với các đại lý, các nhà cung cấp, công đoàn và các quan chức chính phủ nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ và mang lại lợi nhuận chấp nhận được cho doanh nghiệp. Trường hợp không có tiến triển khả quan, General Motors sẽ phải xem xét “các lựa chọn khác”, nữ CEO này cho biết thêm.
Hải Châu