Động thái này đã khiến cổ phiếu của FedEx giảm tới 3% đầu phiên giao dịch tại New York, trong khi cổ phiếu Amazon giảm chưa tới 1%.
Phải đánh giá lại đối tác
Trong tuyên bố đưa ra hôm 7/8, Fedex cho biết sẽ không gia hạn hợp đồng chuyển phát đường bộ với Amazon (dịch vụ giao hàng tại nhà) khi hợp đồng hết hạn vào cuối tháng 8 này. Trước đó, vào tháng 6, hai bên cũng đã không gia hạn hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng không Express (dịch vụ giao nhận giữa các kho hàng và trung tâm phân phối). Các kiện hàng Amazon trên thị trường quốc tế thì FedEx vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ như bình thường.
“Thay đổi này phù hợp với chiến lược của chúng tôi là tập trung vào thị trường thương mại điện tử rộng lớn hơn”, FedEx cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, đại diện của Amazon cho hay: “Chúng tôi không ngừng đổi mới để cải thiện chất lượng vận chuyển và đôi khi điều đó có nghĩa là đánh giá lại các mối quan hệ với các đơn vị vận chuyển”.
Mối quan hệ giữa Amazon - một doanh nghiệp tất bật gửi hàng tỷ bưu kiện cho khách hàng mỗi năm, với các đối tác chuyển phát của mình ngày càng trúc trắc trong những năm gần đây, khi công ty thương mại điện tử chủ động mở rộng mạng lưới giao hàng của chính mình.
Amazon thuê hẳn một đội máy bay chở hàng để vận hành hãng hàng không Amazon Air và đang xây dựng một trung tâm vận chuyển hàng không với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Amazon cũng mua nhiều xe kéo và xe tải chở hàng, đồng thời thiết lập một mạng lưới các nhà thầu đảm nhiệm khâu cuối cùng là giao hàng tới địa chỉ khách hàng. Cách đây hai tháng, công ty còn tiết lộ cả kế hoạch giao hàng bằng máy bay không người lái.
Việc Amazon quyết định chủ động hơn trong quá trình giao hàng diễn ra trong bối cảnh chi phí tăng cao và công ty muốn rút ngắn tối đa thời gian giao hàng đến tận tay khách hàng để chiếm ưu thế trong cạnh tranh với các đối thủ.
Tiêu chuẩn về giao hàng miễn phí và nhanh chóng mà Amazon đặt ra đã được áp dụng rộng rãi bởi nhiều hãng bán lẻ khác trong công cuộc giành giật thị phần bán hàng trực tuyến. Amazon đang đầu tư hàng trăm triệu USD trong năm nay để cắt giảm thời gian giao hàng xuống còn một ngày đối với các khách hàng thành viên của chương trình đăng ký Prime. Walmart và Target cũng có các dịch vụ chuyển phát nhanh như giao hàng trong ngày hay giao hàng sau một ngày.
Fedex sẽ không gia hạn hợp đồng chuyển phát đường bộ với Amazon từ cuối tháng 8 này |
Tổn thất không quá lớn
Năm ngoái, Amazon phát sinh tới 27,7 tỷ USD chi phí hoạt động chuyển phát trên toàn thế giới. Hàng hóa của Amazon tỏa đi khắp nơi thông qua một số đối tác giao hàng, bao gồm cả UPS, dịch vụ bưu chính Mỹ cũng như mạng lưới của chính doanh nghiệp.
Các chuyên gia phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Cowen ước tính rằng trong năm ngoái, 4,4% trong tổng số 2,3 tỷ bưu kiện của Amazon tại Mỹ đã được vận chuyển bởi FedEx, trong khi tỷ lệ này của bưu điện và UPS lần lượt là 55% và 23%. Theo dự báo mới nhất của Rakuten Intelligence thì chính Amazon đang tự chuyển phát gần một nửa số bưu kiện đến tận tay khách hàng.
FedEx cho biết nguồn thu từ cung cấp dịch vụ cho Amazon chiếm 1,3% doanh thu của mình năm 2018. Hãng vận chuyển này đã và đang tìm cách mở rộng kinh doanh với các hãng bán lẻ thương mại điện tử khác, với dự kiến sẽ tăng từ 50 triệu lên 100 triệu kiện hàng vào năm 2026. Fedex cũng mạnh tay đầu tư vào các kho hàng và cung cấp dịch vụ 7 ngày trong tuần.
Amazon từng đầu tư và thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau để tối ưu hóa dịch vụ giao hàng, như chi ra 60 triệu USD vào startup Kozmo (chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh bằng xe đạp ở các thành phố lớn) từ năm 1999. Đến năm 2001, Kozmo bị phá sản bởi tác động của thời kỳ vỡ bong bóng Dot-com và thương vụ này của Amazon bị xem như một “sai lầm lớn của thời đại”.
Tuy vậy, nhờ bài học xương máu từ Kozmo - khi tấn công các thị trường đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, Amazon đã vận dụng thành công phương thức giao hàng nhanh bằng xe đạp này. Amazon còn chiêu mộ cựu lãnh đạo siêu thị trực tuyến Webvan để cho ra đời AmazonFresh - dịch vụ giao hàng thực phẩm, bắt đầu vận hành từ năm 2007.
Hải Châu