Cụ thể, dự thảo luật yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải thiết kế một quy trình thuận tiện, cho phép người sử dụng thông báo về các nội dung thông tin sai lệch trên mạng vào bất kỳ lúc nào.
Chưa cố gắng hết sức
Các trang mạng xã hội phải khẩn trương xóa, hoặc chặn tất cả nội dung sai trái trong vòng 24 giờ. Với những tin tức còn mập mờ chưa rõ đúng sai, thời gian để trang mạng xã hội tiến hành kiểm chứng và xử lý được kéo dài 7 ngày. Trong mọi trường hợp, người tố cáo nội dung sai phạm sẽ được thông báo ngay lập tức về quyết định của trang mạng xã hội đó.
Chưa hết, các trang mạng xã hội có nghĩa vụ báo cáo hàng quý về tình hình giải quyết khiếu nại của người dùng, liệt kê chi tiết đã nhận được bao nhiêu tố cáo và cách thức giải quyết như thế nào, cũng như thông tin cụ thể về số lượng nhân viên phụ trách xử lý khiếu nại.
Doanh nghiệp mạng xã hội nào không tuân thủ quy định, quy trình xử lý khiếu nại kém hiệu quả, hoặc không nhanh chóng xóa bỏ các nội dung thông tin bất hợp pháp có thể bị phạt tới 50 triệu Euro. Trong khi đó, cá nhân chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại cũng phải chịu liên đới, với mức phạt tối đa là 5 triệu Euro.
Một cuộc khảo sát gần đây của cơ quan giám sát bảo vệ thanh thiếu niên Jugendschutz cho thấy các trang mạng xã hội chưa làm hết khả năng của mình để loại bỏ triệt để các nội dung “rác” thuộc phạm vi quản lý.
Trong đó, Twitter mới chỉ xóa được 1% tổng số thông tin sai lệch mà người dùng báo về. Còn tỷ lệ này của Facebook giảm còn 39% so với 46% hồi năm ngoái. Google thì có vẻ nghiêm chỉnh hơn, khi 90% video trên YouTube bị đánh giá là “có mùi” đã bị gỡ xuống.
Như lời Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas - người chủ trì dự thảo luật nêu trên, rất cần “gia tăng áp lực lên các trang mạng xã hội”. Nhiều trường hợp sử dụng ngôn từ kích động phân biệt chủng tộc và vu khống vẫn còn tồn tại nhan nhản, chủ yếu là vì các trang mạng xã hội chưa nghiêm túc tiếp nhận báo cáo tố giác từ phía người dùng.
![]() |
Facebook và Twitter chưa đáp ứng mục tiêu loại bỏ 70% ngôn từ kích động trong 24 giờ
Thận trọng kẻo vơ đũa cả nắm
Không phải tự nhiên mà nước Đức lại quan tâm nhiều như vậy về chủ đề tin tức giả mạo trên mạng xã hội, đến mức phải ban hành luật điều chỉnh. Giới chính trị nước này càng ngày càng thấm thía mức độ ảnh hưởng của “tin lá cải”, hay những phát ngôn gây hấn, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử liên bang sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Cuộc bầu cử lần này được cho là khó lường hơn nhiều so với các lần trước, khi đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel đang “mướt mồ hôi” chạy đua với đối thủ AfD theo chủ nghĩa dân túy và phản đối người nhập
Lo ngại về việc “tin vịt” trên mạng có thể làm thay đổi kết quả bầu cử không phải không có cơ sở. Trong quá trình chạy đua của các ứng viên Mỹ vào Nhà Trắng, những dòng tin kiểu như “Đức Giáo hoàng ủng hộ Donald Trump”, dù chẳng biết thật giả thế nào, cũng được phát tán tràn lan trên Facebook.
Kể từ khi bà Merkel đưa ra quyết định mở cửa biên giới Đức năm 2015 cho hàng trăm ngàn người tị nạn Trung Đông và Bắc Phi, trên các mạng xã hội bằng tiếng Đức đã xuất hiện nhiều bài viết, bình luận đầy tính đả kích hận thù, kêu gọi “tống cổ” người tị nạn để họ khỏi gây rắc rối cho xã hội.
Dự luật của chính phủ Đức rõ ràng là muốn mang kỷ luật thép vào cuộc sống số, nhưng một số chuyên gia cho rằng không thể vơ đũa cả nắm, mà phải rất thận trọng.
Để bảo vệ uy tín và tránh mọi rắc rối với chính quyền sở tại, cũng như khỏi phải nộp phạt, lựa chọn đơn giản và dễ thực hiện nhất của các trang mạng xã hội chính là “xóa thừa còn hơn bỏ sót”. Điều này lại ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dùng.
Về phần mình, Facebook tuyên bố đã có chính sách rõ ràng để xử lý thông tin giả mạo và khiêu khích, đồng thời cam kết sẽ phối hợp với chính phủ và các đối tác để giải quyết vấn nạn xã hội này.
Tháng Một vừa qua, Facebook đã thử nghiệm một số công cụ lọc thông tin tại thị trường Đức và dự kiến cuối năm nay sẽ huy động hơn 700 người tham gia vào công tác rà soát nội dung cho Facebook ở Berlin.
Hải Châu