Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, mục tiêu cốt lõi của kế hoạch trên là bảo đảm tính nghiêm minh và thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh của Đức.
Ý tưởng mới này bắt nguồn từ yêu cầu của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ mạng của Mỹ, mà theo đánh giá của nhiều nhà lập pháp Đức là đang sở hữu “quyền lực” quá lớn.
Không cho “cá lớn nuốt cá bé”
Tất nhiên, để hiện thực hóa điều đó, Đức sẽ phải tìm ra giải pháp dung hòa, vừa thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số của Đức, vừa kìm hãm nguy cơ lạm quyền của một số ít “ông kẹ” trên thị trường.
Các cơ quan quản lý cạnh tranh của Đức cũng cần được trao quyền hành động ngay khi một doanh nghiệp nào đó có dấu hiệu bước vào giai đoạn độc quyền - một điều tưởng chừng mất nhiều thời gian, nhưng ngày càng diễn biến nhanh chóng nhờ internet.
Cụ thể, chính phủ Đức sẽ kiên quyết xử lý tình trạng một công ty yêu cầu đối tác chỉ được kinh doanh độc quyền với mình và không được hợp tác với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào khác.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của Đức sẽ có quyền can thiệp và ngăn chặn những thương vụ “cá lớn nuốt cá bé” có dấu hiệu phản cạnh tranh.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, mục tiêu cốt lõi của kế hoạch trên là bảo đảm tính nghiêm minh và thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh của Đức.
Điều này một lần nữa phản ánh quan điểm đã được các nhà hoạch định chính sách của Đức nêu lên trước kia, đó là châu Âu không nên “bật đèn xanh” cho Facebook mua lại ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram hồi năm 2012 và ứng dụng nhắn tin WhatsApp 2 năm sau đó.
Với việc xây dựng “đại gia đình” ứng dụng mạng xã hội, Facebook hiện đang có tới 2,5 tỷ người dùng. Trong khi đó, một nền kinh tế lớn nhất châu Âu như Đức, vẫn chưa có nổi một công ty internet nào vươn đến quy mô toàn cầu.
Không chấp nhận dễ tính như EU, cơ quan chống độc quyền của Đức dự kiến sẽ tiến hành mở cuộc điều tra đối với Facebook trong năm nay, sau khi phát hiện ra mạng xã hội này đã lạm dụng vị thế thống trị thị trường của mình để thu thập dữ liệu mà khách hàng không hề hay biết hoặc không đồng ý cung cấp.
Google, Facebook sẽ không còn được độc quyền tung hoành ở Đức |
Những đề xuất táo bạo
Cuộc điều tra sẽ tập trung vào cách thức Facebook thu thập dữ liệu người dùng từ các ứng dụng của bên thứ ba, trong đó bao gồm cả WhatsApp và Instagram và việc theo dõi những người thậm chí còn không phải là thành viên của mạng xã hội này.
Ngoài ra, Đức cũng đề xuất một dự thảo luật mới yêu cầu các công ty kinh doanh nền tảng mạng xã hội phải chia sẻ dữ liệu của mình.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác nghiên cứu cải tiến thuật toán phần mềm, từ đó tăng tính cạnh tranh trên thị trường, hạn chế hành vi độc quyền.
Ý tưởng này đã được lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội trong liên minh cầm quyền Andrea Nahles thống nhất với bà Merkel.
Trước mắt, chính quyền Đức sẽ thành lập một ban soạn thảo đề án cải cách luật cạnh tranh dựa vào các khuyến nghị nêu trên.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, nhiều nhà lập pháp thậm chí đã bắt đầu đề xuất những ý tưởng táo bạo hơn nữa. Ví dụ, các mạng xã hội lớn phải mở rộng chức năng để một người chưa đăng ký thành viên vẫn có thể kết nối với bạn bè mình trên đó, giống như cách thức hoạt động của email và điện thoại di động hiện nay.
Đề xuất này dù mang tính cá nhân, chưa nằm trong kế hoạch của chính phủ Đức, nhưng đã và đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ nhiều thành viên trong quốc hội. Vì thế, biết đâu trong tương lai, viễn cảnh táo bạo đó lại trở thành hiện thực.
Cũng trong tuần này, tờ Bild của Đức đưa tin Bộ Tài chính sẽ dừng ý định tăng thuế đối với các công ty công nghệ lớn như Google, Apple, Facebook và Amazon.
Chưa biết thực hư cuối cùng ra sao, nhưng nếu đó là sự thật thì các “gã khổng lồ” công nghệ cũng thở phào được một chút để tập trung tìm cách xử lý câu chuyện độc quyền mà nước Đức đang quyết tâm đưa vào nề nếp.
Hải Châu