Theo nguồn tin của New York Times, đội ngũ kỹ sư của Google đang xây dựng một ứng dụng tìm kiếm có khả năng phát hiện và lọc bỏ các trang web, hay cụm từ tìm kiếm nhạy cảm mà chính phủ Trung Quốc đưa vào danh sách đen. Công ty cũng đã chạy thử dịch vụ để các quan chức Trung Quốc góp ý.
Thay đổi để thích nghi
Tuy nhiên, kể cả khi dự án này được hiện thực hóa thì cũng không có nghĩa là Google chắc chắn sẽ sớm quay trở lại Trung Quốc. Google thường xuyên xây dựng và thử nghiệm nhiều dịch vụ khác nhau, nhưng không phải dịch vụ nào cũng được đưa vào ứng dụng thực tế.
Dù sao thì động thái này của Google cũng bổ sung thêm một minh chứng cho thấy các công ty công nghệ Mỹ đang chấp nhận thay đổi sản phẩm của mình để có cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc khổng lồ, ngay cả khi nó bị cho là ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.
LinkedIn là một ví dụ điển hình, khi bổ sung thêm tính năng kiểm duyệt nội dung ở Trung Quốc. Facebook thì phát triển phần mềm không cho một số bài đăng xuất hiện trên mạng xã hội này với hy vọng tạo tiền đề để hiện diện tại Trung Quốc, cho dù chưa có thông tin chính thức về việc ứng dụng trên đã được "chào mời" cho chính quyền sở tại hay chưa. Tháng trước, Facebook được cấp phép để mở công ty con ở tỉnh Chiết Giang, nhưng chỉ sau vài tiếng lại bị thu hồi.
Thông tin Google phát triển một công cụ tìm kiếm có chức năng kiểm duyệt dành riêng cho Trung Quốc đã gây ra sự phản đối kịch liệt từ nhiều nhà hoạt động nhân quyền. Họ lo ngại rằng những trang web nước ngoài hay các yêu cầu tìm kiếm thông tin nhạy cảm sẽ bị vô hiệu hóa.
Bản thân nhân viên của Google cũng không có nhiều thông tin về dự án này và một số người tỏ rõ sự phản đối bằng cách từ chối tham gia khi được yêu cầu, chấp nhận luân chuyển sang công việc khác hoặc thậm chí sẵn sàng bỏ việc.
Họ cho rằng dự án trên đi ngược lại các tuyên bố trước đây của Google về vấn đề kiểm duyệt của Trung Quốc, cũng như trái với các nguyên tắc mới nhất về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, trong đó nêu rõ công nghệ không nên bị lợi dụng để vi phạm nhân quyền.
Google đang cố gắng để chiếm được cảm tình của đối tượng khách hàng trẻ Trung Quốc |
Chinh phục thế hệ mới
Mặc dù đã rút công cụ tìm kiếm của mình ra khỏi Trung Quốc từ năm 2010, thời gian qua Google cho thấy bắt đầu quan tâm nghiêm túc đến việc quay trở lại thị trường sử dụng internet lớn nhất thế giới.
Tháng 6 vừa rồi, Google công bố đầu tư 550 triệu USD vào hãng bán lẻ trực tuyến JD.com. Trước đó nữa, trong năm 2017, Google hé lộ kế hoạch thành lập một trung tâm nghiên cứu trí thông minh nhân tạo ở Trung Quốc. Các ứng dụng dịch thuật và quản lý dữ liệu cũng đã có phiên bản Trung Quốc. Số lượng nhân viên Google tại đây lên đến hơn 700 người.
Trong những năm Google vắng bóng, các đối thủ cạnh tranh nội địa đã tranh thủ vươn lên mạnh mẽ, trong đó có công cụ tìm kiếm Baidu. Ngoài dịch vụ tìm kiếm, phần lớn các dịch vụ của Google, như kho ứng dụng, dịch vụ email và YouTube, vẫn không thể truy cập được do vướng "tường lửa" của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc ngày càng mạnh tay thắt chặt kiểm duyệt Internet, buộc các công ty phải có rất nhiều nguồn lực để đáp ứng yêu cầu và nếu vi phạm có thể bị xử lý rất nặng. Trong nửa đầu năm 2018, cơ quan quản lý internet nước này đã đóng cửa hoặc thu hồi giấy phép của hơn 3.000 trang web.
Là một thương hiệu toàn cầu, nhưng cái tên Google lại nghe "lạ hoắc" với một bộ phận thanh niên Trung Quốc, những người đang lớn lên trong thời đại "hậu Google". Chiếm được cảm tình của đối tượng khách hàng này sẽ là một thử thách khó khăn cho Google, đặc biệt là nếu không chứng minh được mình nổi trội hơn Baidu.
Tin vui cho Google, là trên một số phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc xuất hiện nhiều ý kiến ủng hộ Google quay trở lại để tăng tính cạnh tranh với Baidu, nhất là khi Baidu vừa gặp phải bê bối về kết quả tìm kiếm liên quan đến y tế.
Hải Châu