Với triển vọng tăng trưởng được dự báo là nhiều sóng gió, các thị trường chứng khoán biến động mạnh, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước tham dự cuộc họp đã có nhiều điều để nói với nhau. Và không khí thảo luận đã được Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo đúc kết lại bằng một câu nói mang đầy tính hình ảnh: “Mùa đông đang đến rồi”.
Thị trường bất ổn, căng thẳng leo thang
Một trong những điểm nhấn trong những ngày họp vừa qua của IMF - WB là sự bất ổn của thị trường. Mặc dù hầu hết đều vẫn giữ được sự bình tĩnh dù chứng khoán “đổ máu” ở nhiều nơi, nhưng các nhà hoạch định chính sách đang khá chần chừ khi phải đưa ra dự đoán tiếp theo.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng tình trạng bán tháo cổ phiếu thời gian qua không phải điều gì “quá ngạc nhiên”, mặc dù trước đó ông khẳng định các yếu tố nền tảng của kinh tế Mỹ vẫn đang rất ổn.
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde thì nhận định giá cổ phiếu trên thị trường Mỹ đã cao hơn giá trị thực, nên việc điều chỉnh là không tránh khỏi.
Các chuyên gia cũng đề cập đến nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác, kể từ cuộc khủng hoảng 10 năm trước. Theo ông Tobias Adrian - Giám đốc bộ phận tiền tệ và thị trường vốn của IMF, tình trạng mất cân bằng tài chính vẫn diễn biến trầm trọng hơn và hệ thống tài chính mới thì chưa được kiểm chứng. Thông điệp chung ở đây là nền kinh tế thế giới sẽ đi ngang trong thời gian trước mắt và đến năm 2020 có thể yếu đi nhiều, khi bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng.
Căng thẳng thương mại là một chủ đề khác thu hút được sự quan tâm của số đông, với nhận định chung là nó đang làm gián đoạn tăng trưởng toàn cầu và cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt. Trả lời cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Bloomberg, bà Lagarde thẳng thắn bày tỏ: “Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Phải giảm thiểu căng thẳng”.
Đó cũng chính là một lý do khiến IMF điều chỉnh giảm dự báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt những rủi ro về mặt thuế quan cao hơn đã bắt đầu xuất hiện. Cơ quan này đánh giá cuộc chiến thương mại toàn diện, quy mô lớn có thể làm giảm hơn 0,8% sản lượng toàn cầu tính đến năm 2020, mà nổi bật nhất chính là xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
Những tranh cãi của EU với Anh về Brexit cũng là vấn đề được quan tâm. IMF hy vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận suôn sẻ vào cuối tháng 3.
Cuộc họp thường niên của IMF và WB tại Bali |
Nguy cơ thị trường mới nổi
Một vấn đề gây nhiều băn khoăn là tác động đến các thị trường mới nổi của việc nâng lãi suất của Mỹ và đồng USD tăng giá. Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực để tránh rơi vào hoàn cảnh như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
“Những tác động do giá dầu cao hơn, lãi suất Fed tăng, đồng USD mạnh hơn và khả năng căng thẳng thương mại leo thang dường như sẽ rất khó để có thể giải quyết được trong vài tháng tới. Các nhà hoạch định chính sách cần phải tiết kiệm nguồn lực”, ông Changyong Rhee - Giám đốc của Bộ phận châu Á - Thái Bình Dương tại IMF, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Trong lĩnh vực tiền tệ, hiện trạng đồng Nhân dân tệ được thảo luận sôi nổi trong bối cảnh vài ngày tới đây Bộ Tài chính Mỹ dự kiến phát hành một báo cáo về thao túng tiền tệ. Đồng nhân dân tệ đã giảm hơn 6% trong năm nay so với đồng USD và có thể rơi dưới mốc 7 Nhân dân tệ xấp xỉ 1 USD.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tranh thủ cuộc họp IMF để khẳng định nước này sẽ không sử dụng tiền tệ như một công cụ để đối phó với xung đột thương mại, ngay cả khi cuộc chiến thuế quan với Mỹ leo thang.
Trong khi đó, quan chức IMF cho rằng đồng tiền này biến động phù hợp với điều kiện kinh tế Trung Quốc và sự sụt giảm nêu trên thể hiện cam kết của PBOC trong việc thả tỷ giá hối đoái trở nên linh hoạt hơn.
Hải Châu