Yêu cầu của IMF về việc Hy Lạp phải siết chặt tài chính, dường như đi xa hơn những gì mà các chủ nợ khác cho là cần thiết.
“Tất cả các định chế đều phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Nhưng nếu những bất ổn vẫn tiếp tục tồn tại trong nền kinh tế Hy Lạp, thì lỗi lớn nhất thuộc về IMF”, ông Koutentakis Francisco - người phụ trách các vấn đề chính sách tài khóa và cũng là thành viên đoàn đàm phán với các chủ nợ quốc tế, bức xúc trả lời báo giới hôm 23/3.
Giai đoạn nước rút
Nói như ông Koutentakis, các chủ nợ cố tình đợi Hy Lạp “ra đến bờ vực rồi mới bắt đầu đàm phán nghiêm túc”. Còn IMF thì chần chừ, chưa quyết định sẽ đóng vai trò gì trong chương trình cứu trợ tài chính thứ ba dành cho Hy Lạp.
Phát biểu của ông Koutentakis diễn ra chỉ vài ngày sau khi đại diện các định chế cứu trợ tài chính rời khỏi Athens để nghỉ lễ Phục sinh, mà chưa kịp đạt được một thỏa thuận cuối cùng về hình thức và quy mô đợt cắt giảm ngân sách và cải tổ nền kinh tế mà Athens sẽ phải thực hiện, để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong chương trình giải cứu.
Chẳng phải đợi đến khi ông Koutentakis đăng đàn người ta mới cảm nhận được sự căng thẳng đang bao trùm quá trình đàm phán. Ngay từ cuối tuần vừa rồi, một số quan chức Hy Lạp đã tỏ rõ thái độ không hài lòng về lập trường của IMF, ví dụ như “họ không muốn tiến tới thỏa thuận cuối cùng” hay “một định chế luôn bảo vệ tầng lớp nghèo đói trên thế giới như IMF lại không nghiêm túc đàm phán”.
Dự kiến, vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 2/4 và mục tiêu là chốt được thỏa thuận trong ngày 11/4.
Nếu các bên không tìm được tiếng nói chung, các chủ nợ của Hy Lạp không thể hoàn thành đợt rà soát gói cứu trợ tài chính 86 tỷ EUR - một điều kiện tiên quyết để Hy Lạp nhận thêm viện trợ và khởi động đàm phán giảm nợ cho quốc gia 11 triệu dân, vốn được dự báo sẽ khó khăn và nhạy cảm hơn nhiều.
Theo nội dung thỏa thuận cứu trợ, Hy Lạp cam kết sẽ đạt thặng dư ngân sách 3,5% GDP vào năm 2018. Ủy ban châu Âu cho rằng 3% GDP là đủ, nhưng quan điểm của IMF lại là 4,5%, tương đương khoảng 8 tỷ EUR.
![]() |
Các chủ nợ của Hy Lạp không thể hoàn thành đợt rà soát gói cứu trợ tài chính
Kẻ gật, người lắc
Ông Koutentakis cho biết trong khi chính phủ Hy Lạp và các định chế châu Âu đồng tình với nhau rằng Hy Lạp đã đạt được 0,2% GDP thặng dư ngân sách trong năm 2015, xuất sắc hoàn thành mục tiêu thâm hụt 0,25%, thì IMF lại khăng khăng Hy Lạp thâm hụt GDP 0,6%.
Sau hơn hai tuần thương thảo, chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ cũng xích lại gần nhau hơn về kế hoạch cải cách lương hưu đầy tham vọng mà Hy Lạp cần luật hóa ngay. Tuy nhiên, IMF đã không đồng ý với đề xuất tăng 1% đóng bảo hiểm xã hội mà Hy Lạp đưa ra, nhằm tránh phải cắt giảm đột ngột trợ cấp hưu trí hiện tại.
Các chủ nợ muốn Hy Lạp giảm ngưỡng miễn thuế hiện tại, tự do hóa quá trình thanh lý nợ xấu. Trong khi chính phủ muốn duy trì nhiều bảo lưu, cũng như quyền ân hạn ba năm, đối với khoản vay thế chấp bằng bất động sản thường trú.
Ông Koutentakis cũng chia sẻ, trong quá trình đàm phán một số thành viên nhóm kỹ thuật của các chủ nợ đã đề xuất chính phủ Hy Lạp xem xét hoãn trả lương cho cán bộ công chức và lương hưu nếu gặp vấn đề về thanh khoản. Nhưng ông nghĩ ngược lại: “Nếu phải lựa chọn giữa trả lương hưu hoặc trả nợ, chính phủ sẽ không trả nợ”.
Thuyết phục được IMF tham gia vào gói cứu trợ và đồng thuận về những cải cách Hy Lạp phải thực hiện, có ý nghĩa rất quan trọng đối với một loạt quốc gia “khó tính” ở khu vực đồng euro, tiêu biểu là Đức - nước vẫn bảo lưu quan điểm rằng các chủ nợ châu Âu đang quá khoan dung với Athens.
Thực tế, nhu cầu vay của Hy Lạp hiện tại không quá cấp thiết, ít nhất là đến tháng 7/2016, thời điểm 3,5 tỷ EUR nợ gốc trái phiếu của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đáo hạn. Nhưng, tính cấp thiết có thể tăng lên, khi Hy Lạp vướng vào cuộc khủng hoảng di cư ngày càng trầm trọng.
Tại một cuộc họp báo ở Brussels cuối tuần trước, Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras đã tuyên bố: “Hy Lạp sẽ tôn trọng tuyệt đối những gì đã thỏa thuận, nhưng không chấp nhận đi xa hơn”.
Hùng Anh