Nếu các cơ quan chức năng ủng hộ đề xuất của Boeing, thì các hãng hàng không sẽ mất nhiều thời gian hơn trong công tác chuẩn hóa đội ngũ phi hành đoàn cho dòng máy bay 737 MAX, vốn đã bị cấm bay kể từ tháng 3/2019, sau hai vụ tai nạn tang thương làm 346 người thiệt mạng.
Từng xem nhẹ đào tạo giả lập
Boeing đang phải cải tiến chương trình đào tạo phi công và cập nhật phần mềm cho 737 MAX để được cấp phép khai thác trở lại trên các đường bay thương mại.
Tuy nhiên, sau nhiều lần sơ sẩy, rất khó để Boeing được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) “bật đèn xanh” trước tháng 2, thậm chí là tháng 3 hoặc muộn hơn, của năm 2020.
Năm ngoái, hãng chế tạo máy bay này khăng khăng rằng phi công lái máy bay MAX không cần phải tham gia các khóa đào tạo trên các thiết bị mô phỏng tốn kém. Đây cũng là luận điểm mà Boeing nhắc đi nhắc lại như một lợi thế của mình, khi chào bán phiên bản mới nhất của dòng 737 thân hẹp trước đối thủ cạnh tranh Airbus.
Các hãng hàng không đã “trót” mua máy bay MAX đều phải hủy chuyến và toàn bộ máy bay nằm “đắp chiếu” một cách lãng phí.
Nếu chỉ cần đào tạo phi công trên máy tính để khai thác thương mại đối với dòng 737 MAX sau nâng cấp, thì Southwest Airlines - khách hàng lớn nhất của Boeing, cho biết họ chỉ cần 1 - 2 tháng để chuẩn bị cho hơn 9.500 phi công của mình.
Southwest Airlines hiện chưa thể ước tính chi phí hoặc thời gian cần thiết để tiến hành các khóa đào tạo giả lập, phát ngôn viên Brandy King của hãng cho hay. Hãng hàng không này có 3 mô hình giả lập MAX đang chờ FAA cấp chứng nhận và dự kiến sẽ triển khai thêm 3 hệ thống nữa vào cuối năm nay.
Trong khi đó, American Airlines Group Inc và United Airlines đều có riêng 1 mô hình giả lập MAX. Số lượng mô hình giả lập MAX hiện nay là không nhiều và không rõ là liệu có thể tận dụng hệ thống giả lập 737 NG để đào tạo phi công 737 MAX hay không. Tính đến tháng 12/2019, nhà sản xuất CAE Inc có trụ sở tại Canada mới chỉ bàn giao 23 hệ thống giả lập MAX, đại diện hãng này cho biết.
FAA sẽ xem xét các khuyến nghị của Boeing trong quá trình đánh giá chương trình đào tạo phi hành đoàn Mỹ và quốc tế cùng với các nhà quản lý của Canada, châu Âu và Brazil.
Boeing đã thừa nhận tầm quan trọng của phương pháp đào tạo phi công lái máy bay MAX trên các thiết bị mô phỏng |
Hồi hộp chờ kiểm toán
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Canada Marc Garneau - người ủng hộ việc đào tạo giả lập bắt buộc trước khi khai thác 737 MAX, cho rằng việc Boeing thừa nhận tầm quan trọng của phương pháp đào tạo đó là một động thái đáng khích lệ.
Southwest Airlines và American Airlines đã lên lịch bay 737 MAX trong tháng 4/2020. Trong khi United Airlines dự kiến là tháng 6/2020.
Trong tuần này, FAA và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) sẽ gặp Boeing tại khu vực Seattle trước khi đến thăm cơ sở Rockwell Collins ở Cedar Rapids, Iowa, để hoàn tất quá trình kiểm toán tài liệu phần mềm 737 MAX - một nội dung quan trọng để đưa dòng máy bay này trở lại bầu trời.
Các yêu cầu về hồ sơ giấy tờ có ý nghĩa rất quan trọng để được cơ quan quản lý hàng không cấp phép đối với phần mềm máy bay và các hãng sản xuất thường gặp trục trặc với khâu này. Năm 2008, dòng máy bay vận tải quân sự A400M của Airbus cũng bị dính đúng lỗi này trong đợt kiểm toán của EASA.
Đầu tháng 11/2019, EASA và FAA từng gặp Boeing tại cơ sở Rockwell Collins ở Cedar Rapids và chỉ ra một loạt vấn đề trong quá tình kiểm toán, đồng thời yêu cầu Boeing rà soát, hoàn thiện tài liệu liên quan đến việc sửa lỗi phần mềm 737 MAX.
Trước đó, FAA từng nhắc nhở Boeing tốt hơn hết là nên có phương pháp cụ thể và đi vào chi tiết thay vì vội vàng hoàn thành một phần sản phẩm và hứa hẹn bổ sung sau.
Theo chia sẻ của một số chuyên gia, quá trình kiểm toán phần mềm trong ngành hàng không thường chỉ ra những điểm không nhất quán hoặc thiếu sót trong hồ sơ tài liệu nhưng hiếm khi dẫn đến việc phải sửa đổi phần mềm hoặc hệ thống.
Hải Châu