Phát biểu tại một hội nghị khách hàng ở Zurich (Thụy Sĩ) hôm 15/10 vừa qua, đại diện hãng sản xuất thiết bị mạng hàng đầu thế giới cho biết trong số 65 hợp đồng mà Huawei đã ký kết, một nửa là với các khách hàng châu Âu.
Bị Mỹ cấm cửa cũng chẳng sao
“Điều này cho thấy niềm tin lâu dài và nhất quán của khách hàng châu Âu đối với Huawei. Chúng tôi thực sự biết ơn sự tin tưởng của họ trong thời điểm khó khăn này”, ông Yang Chaobin - Giám đốc mảng 5G của Huawei, cho biết.
Một số đơn vị khai thác cũng có phản hồi khá tích cực về sản phẩm, trong đó có Sunrise (Thụy Sĩ) - công ty đã kết nối một khu nghỉ mát trượt tuyết, các trang trại và thậm chí là một sân bóng đá vào mạng 5G sử dụng thiết bị Huawei.
“Từ góc độ kỹ thuật, chúng tôi có thể giải quyết vấn đề bảo mật. Nhưng nếu nhìn nhận bảo mật như một vấn đề chính trị và đánh giá tính bảo mật của một nhà cung cấp dựa vào xuất xứ, thì sẽ rất khó giải quyết”, ông Yang phát biểu tại một cuộc họp báo.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vừa công bố dự thảo một bộ quy tắc về an ninh mạng 5G, trong đó không chỉ đích danh Trung Quốc hay Huawei là mối đe dọa duy nhất, mà yêu cầu tất cả các nhà cung cấp và đơn vị khai thác phải đáp ứng các tiêu chí chung.
Trong khi đó, Anh vẫn đang cân nhắc xem có nên làm theo khuyến cáo của Hội đồng An ninh Quốc gia về việc cấm Huawei hay không. Trước đó, các nước như Australia và New Zealand đều đã dứt khoát đóng cửa đối với Huawei.
Washington đã áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Huawei từ tháng 5 năm nay trong cuộc đấu thương mại leo thang với Bắc Kinh mà hệ lụy nghiêm trọng của nó đã “ngấm” vào một số mảng kinh doanh chủ lực của công ty Trung Quốc như sản xuất và bán điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, ông Yang cho biết Huawei đã đa dạng hóa các nhà cung cấp của mình đủ để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng đối với mặt hàng thiết bị mạng ngay cả khi không thể sử dụng các linh kiện có xuất xứ Mỹ.
Trong tổng số 400.000 trạm 5G mà công ty đã cung cấp, có tới 3/4 được bàn giao kể từ khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực.
![]() |
Dù bị xa lánh ở Mỹ, Huawei vẫn được ưa chuộng tại châu Âu |
Bài toán riêng của châu Âu
“Danh sách thực thể bị Mỹ trừng phạt không có tác động gì đến thiết bị 5G của Huawei dù thế nào đi nữa. Hiệu suất và đặc điểm kỹ thuật của các sản phẩm sử dụng linh kiện riêng của chúng tôi sẽ chỉ tốt hơn lên mà thôi”, ông Yang cho biết.
Thách thức thực sự mà ông Yang phải đối mặt trong việc đáp ứng nhu cầu của Sunrise và các khách hàng châu Âu có lẽ lại nằm ở chỗ khác: Đó là cung cấp thiết bị phù hợp ở một khu vực không có nhiều không gian để dựng ăng ten.
Về điểm này, Huawei cho rằng trạm Blade AAU của họ - có thể hỗ trợ các băng tần vô tuyến tần số thấp và trung bình được sử dụng để cung cấp vùng phủ sóng 5G trên diện rộng - sẽ hóa giải được vấn đề cho nhiều khách hàng châu Âu.
Ông Yang cũng tin tưởng vào việc xây dựng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực này, như sáng kiến 3GPP về quản lý bảo mật thiết bị di động và xem đây như một nỗ lực hợp tác cần sự chung tay của tất cả các bên trong hệ sinh thái di động.
Theo thống kê cuối tháng 6/2019, Huawei có 50 hợp đồng 5G, vượt qua cả Nokia (43 hợp đồng) và Ericsson (22 hợp đồng). ZTE - một đối thủ khác của Huawei cũng đến từ Trung Quốc, giành được 25 hợp đồng 5G.
Châu Âu là một thị trường quan trọng của Huawei. Theo báo cáo tài chính thường niên của tập đoàn này, doanh thu năm 2018 của Huawei tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi đạt gần 30 tỷ USD, nhiều hơn cả thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương cộng lại (chưa tính thị trường Trung Quốc).
Hải Châu