Indonesia - thị trường lớn nhất Đông Nam Á dành cho các dịch vụ viễn thông, được đánh giá là vẫn còn vài năm nữa mới sẵn sàng triển khai dịch vụ 5G. Điều này cho phép PT Telekomunikasi Indonesia có thời gian cân nhắc và quyết định có nên chọn Huawei làm đối tác cung cấp hay không, theo lời Chủ tịch Ririek Adriansyah.
Không có gì phải vội
Trong quá trình trả đũa lẫn nhau của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ đã lôi Huawei vào tầm ngắm với cáo buộc công ty này gây ra rủi ro an ninh cho các quốc gia vì có quan hệ quá gần gũi với chính phủ Trung Quốc.
“Chúng tôi vẫn đang chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra giữa Huawei và Mỹ, cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi hợp tác với tất cả các nhà cung cấp lớn trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi có thể chờ. Chúng tôi có thể đi theo bất kỳ hướng nào mà chúng tôi tin là lựa chọn tốt nhất cho mình”, ông Adriansyah cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm đầu tuần tại Jakarta.
Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc này vào danh sách đen và cho rằng Huawei hỗ trợ Bắc Kinh trong các hoạt động gián điệp. Mỹ cũng gây khó khăn cho Huawei trong việc kinh doanh loại công nghệ mà công ty này đã sử dụng để sản xuất một số điện thoại và thiết bị viễn thông, từ đó gây ra rủi ro khách hàng của Huawei không thể cập nhật phần mềm trên thiết bị của mình.
Với mức độ phổ cập của điện thoại thông minh ở ngưỡng xấp xỉ 70% và nhiều khu vực xa xôi hẻo lánh ở Indonesia vẫn còn sử dụng dịch vụ 2G, Indonesia được đánh giá là tụt lại khá xa các thị trường khu vực như Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc trong việc triển khai dịch vụ 5G, theo nhận định của ông Adriansyah.
Telkomsel - một công ty con của PT T e l e k o m u n i k a s i Indonesia, đã có 168 triệu thuê bao tại thời điểm cuối tháng 6/2019, 2/3 trong số đó sử dụng điện thoại thông minh. Mảng kinh doanh kỹ thuật số chiếm 62% doanh thu của đơn vị này trong nửa đầu năm và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ ổn định, ông Adriansyah cho biết.
Tăng trưởng lợi nhuận ròng của nhà mạng này trong năm nay thậm chí còn cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu của tập đoàn, theo lời ông Adriansyah, người vừa được bổ nhiệm vào vị trí CEO hồi tháng 7 vừa qua. Việc chấm dứt cuộc chiến giá dai dẳng giữa các đơn vị khai thác đã tạo điều kiện cho công ty điều chỉnh tăng giá một cách có chọn lọc, ông nói.
![]() |
Huawei - một trong những nhà cung cấp thiết bị quan trọng của nhà mạng Indonesia |
Khu vực tiềm năng về 5G
Sự cạnh tranh khốc liệt trong mảng dịch vụ di động năm 2018 chứng kiến các đơn vị khai thác như PT XL Axiata, PT Indosat hay PT Smartfren Telecom rơi vào cảnh thua lỗ. Nhưng tình thế đã thay đổi, khi mỗi công ty đều cố gắng duy trì được lượng thuê bao ổn định.
Thị trường có thể bớt ngột ngạt hơn nếu chính phủ thành công trong việc thúc đẩy các đơn vị khai thác sáp nhập với nhau, theo nhận định của ông Adriansyah. “Quá trình sáp nhập diễn ra càng sớm thì càng tốt cho mọi người. Thị trường sẽ trở nên lành mạnh hơn và sẽ không còn cuộc chiến về giá nữa”, ông Adriansyah nói.
Trong 5 năm qua, khu vực Đông Nam Á luôn hào hứng đón nhận các công nghệ mới nhất như blockchain, trí thông minh nhân tạo (AI), điện toán đám mây, công nghệ tài chính (fintech)... Tuy nhiên, để các công nghệ như vậy phát huy hết tiềm năng của chúng, nền tảng internet hiện nay dường như là chưa đủ và mới chỉ dừng lại ở mạng 3G hoặc 4G.
Nhiều quốc gia trong khu vực đang có kế hoạch đẩy mạnh 5G để kịp đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới. Malaysia đã bắt đầu chạy thử nghiệm 5G; Thái Lan kỳ vọng triển khai 5G vào năm 2021. Bản thân Telkomsel đã thử nghiệm 5G trong thời gian diễn ra Đại hội Thể thao châu Á 2018.
Về cơ bản, công nghệ 5G có thể đem đến trải nghiệm tốc độ internet di động vượt trội so với 3G và 4G, giúp vận hành trơn tru hơn nhiều dịch vụ được số hóa. Ngoài ra, mạng 5G có độ trễ thấp, tức là rút ngắn thời gian phản hồi tín hiệu - một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các thiết bị hoạt động dựa trên dữ liệu lớn.
Hải Châu