Ấn Độ, nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới, đã cam kết cắt giảm khí thải và đặt mục tiêu năng lượng sạch chiếm ít nhất 40% công suất lắp đặt vào năm 2030 (hiện nay là 21,4%), đồng thời tìm cách kiểm soát nhu cầu năng lượng trong bối cảnh người dân có thu nhập ngày càng tốt hơn.
Tổng vốn đầu tư 430 tỷ rupee
Các mục tiêu năng lượng tái tạo (NLTT) đòi hỏi Ấn Độ phải đầu tư đáng kể vào hệ thống đường dây tải điện và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
“Kể từ tháng 12/2018 đến nay, Ấn Độ đã tổ chức được một số gói thầu đường dây truyền tải điện với tổng công suất 12 GW và dự kiến đến cuối tháng 6/2019 sẽ trao thầu thêm 16 GW nữa. 38 GW còn lại sẽ được đấu thầu trước tháng 3/2020”, Thư ký Bộ Năng lượng mới và NLTT Anand Kumar cho biết.
Vị này cũng thông tin thêm về việc xây dựng đường dây truyền tải cho tổng số 66 GW nêu trên sẽ cần khoản đầu tư ước tính 430 tỷ rupee (tương đương 145 nghìn tỷ đồng).
Ấn Độ - nơi nhận được ánh nắng mặt trời nhiều gấp đôi so với các nước châu Âu, muốn năng lượng mặt trời trở thành một mũi nhọn trong chiến lược đẩy mạnh sử dụng NLTT để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đặt mục tiêu tăng sản lượng điện mặt trời lên 100 GW và điện gió lên 60 GW vào năm 2022. 15 GW còn lại sẽ đến từ sinh khối và thủy điện.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chưa thực sự cảm thấy thuyết phục về khả năng Ấn Độ hoàn tất các mục tiêu đầy tham vọng của mình.
Hãng tư vấn WoodMac và hãng nghiên cứu CRISIL cho rằng các vấn đề chính sách, quyền sử dụng đất và giá bán điện sẽ đặt ra những rào cản lớn cho Ấn Độ trên lộ trình NLTT. Ấn Độ đã hủy thầu một số gói thầu NLTT với công suất hơn 5 GW, mà lý do chủ đầu tư đưa ra là giá dự thầu quá cao.
Các nhà phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió thì không ít lần phàn nàn về khó khăn trong việc thuê đất và chính sách thuế nhập khẩu thiết bị năng lượng mặt trời.
Điện mặt trời ngày càng phổ biến ở Ấn Độ |
Dừng đầu tư năng lượng hóa thạch
Ông Kumar lý giải rằng chính phủ không thể mua điện bằng mọi giá được. “Nhiệm vụ của chính phủ là đầu tư mua năng lượng với giá cạnh tranh, phải chăng”, ông nói.
Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ cũng thể hiện sự quyết tâm vượt qua rào cản và đang làm việc với các tiểu bang về việc hỗ trợ nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư, nhà thầu.
Các công ty phân phối điện cũng được khuyến nghị vay vốn từ Cơ quan Phát triển NLTT Ấn Độ để thanh toán kịp thời cho các đơn vị sản xuất điện.
Chính phủ của ông Modi đã thay đổi một số quy định đấu thầu dự án NLTT trong năm 2017, theo hướng tăng cạnh tranh, giảm giá trúng thầu và khuyến khích NLTT.
“Giá bán điện trước kia khoảng 6,17 rupee/ đơn vị và hiện chúng tôi đang nhận được một số hồ sơ dự thầu chào giá có 2,44 rupee”, ông Kumar cho hay, đồng thời nói thêm rằng Ấn Độ đã vượt chỉ tiêu tổ chức đấu thầu 135 GW năng lượng tái tạo vào tháng 3/2019.
“103 GW dự án đã được lắp đặt hoặc đang được triển khai. Hơn 37 GW đang tổ chức lựa chọn nhà thầu”, ông khẳng định đến tháng 3/2020, kế hoạch đấu thầu phần công suất NLTT bổ sung sẽ được hoàn tất. Thời gian trung bình để xây dựng một dự án NLTT thường mất khoảng 2 năm.
Việc chuyển đổi sang NLTT cũng đồng nghĩa với hạn chế sử dụng năng lượng than và nhiên liệu diesel. Hiện tại, không có đơn vị sản xuất điện tư nhân nào ở Ấn Độ có kế hoạch đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện mới trong 5 năm tới. Hầu như tất cả công suất điện bổ sung sẽ đến từ các nguồn NLTT. Các nhà máy nhiệt điện hiện chiếm 3/4 tổng sản lượng và khoảng 2/3 công suất lắp đặt ở Ấn Độ.
Hải Châu