Cửa hàng không hề trang bị quầy tính tiền, với tên gọi Amazon Go, có diện tích 167 m2, được đặt ngay ở tầng trệt của khu trụ sở mới của Amazon ở Seattle.
Lấy hàng rồi ra về
Điểm đặc biệt của Amazon Go là khách hàng có thể vào đây lựa chọn những thứ muốn mua và sau đó rời đi mà không cần phải thanh toán tại quầy như những siêu thị hay cửa hàng bán lẻ khác. Tổng số tiền các mặt hàng khách đã mua tại cửa hàng sau đó sẽ được trừ vào tiền trên tài khoản Amazon của người dùng.
Để biết khách đã chọn lựa mặt hàng gì, Amazon sử dụng camera phía trên và cảm biến khối lượng gắn vào giá kệ, kết hợp với các thuật toán nhận diện hình ảnh để xác định chính xác mặt hàng nào đã được lấy xuống.
Bà Gianna Puerini - Phó Chủ tịch của Amazon Go, cho biết cửa hàng đã hoạt động rất trơn tru trong suốt giai đoạn thử nghiệm nhờ 4 năm chuẩn bị chu đáo trước đó. Bà Puerini còn “thị phạm” bằng cách lấy từ trên kệ hai loại đồ uống Starbucks gần giống hệt nhau, một loại ít kem, một loại kem vừa, vậy mà công nghệ của Amazon vẫn có thể phân biệt được.
Để biết khách hàng là ai, Amazon yêu cầu mỗi người phải tải một ứng dụng trên điện thoại và scan mã vạch QR trước khi bước chân vào cửa hàng. Hàng hóa trong Amazon Go đương nhiên là đầy đủ những thứ có thể tìm ở một cửa hàng tiện ích thông thường, như đồ ăn vặt, nước giải khát, các món ăn chế biến sẵn như salad, bánh mì...
Theo các thông tin đăng ký bằng sáng chế của Amazon, hệ thống có thể sử dụng các dữ liệu mua hàng trong quá khứ của người mua để xác nhận món hàng khi họ lấy chúng trên kệ.
Ví dụ, nếu hệ thống quản lý hàng tồn kho không thể xác định món hàng được chọn là một chai nước sốt cà chua hay chai mù tạt, hệ thống có thể xem xét lịch sử mua hàng qua những gì khách hàng đã chọn từ các địa điểm khác. Hoặc, nếu người mua trong quá khứ chỉ chọn sốt cà chua, thông tin có thể được sử dụng để xác nhận rằng người dùng vừa lấy chai sốt cà chua.
Sau khi khách hàng hoàn tất quá trình mua sắm và ra về, Amazon Go sẽ tự động tổng kết “giỏ hàng ảo” và tính phí trực tiếp vào tài khoản Amazon của khách. Trường hợp khách hàng trả lại món đồ vừa lấy trước đó, Amazon cũng tự động loại nó khỏi giỏ hàng và hóa đơn cuối cùng.
Lợi ích cho người dùng thì khỏi phải bàn, trong đó chủ yếu nhất là tiết kiệm thời gian vàng bạc. Về phần Amazon, bằng cách phân tích đường di chuyển của khách trong cửa hàng và những sản phẩm đã mua, Amazon sẽ hiểu hơn về thói quen mua sắm của từng “Thượng đế”, từ đó đưa ra những lời khuyên cũng như những quảng cáo hợp lý trên trang web của công ty, để kích thích mua sắm trực tuyến.
![]() |
Amazon Go chính là nỗ lực tham vọng nhất của Amazon
Thay đổi thói quen mua sắm
Mặc dù Amazon Go là cửa hàng mua sắm không có quầy tính tiền, nhưng chưa phải là cửa hàng hoàn toàn tự động như nhiều người lầm tưởng.
Vào giờ ăn trưa vẫn cần có khoảng chục đầu bếp chế biến các món ăn, trong khi một số nhân viên khác sắp xếp, bổ sung hàng hóa trên các giá kệ. Tại khu bán bia rượu có một nhân viên đứng kiểm tra thẻ khách hàng theo cách thủ công.
Dù Amazon Go hứa hẹn những trải nghiệm mới mẻ tuyệt vời, nhưng Amazon chưa công bố cụ thể kế hoạch mở thêm các cửa hàng khác, cũng như áp dụng công nghệ mới cho chuỗi siêu thị Whole Foods mà họ thâu tóm năm ngoái với giá 13,7 tỷ USD.
Amazon Go khai trương thử nghiệm cho nhân viên công ty từ ngày 5/12/2016, với ý định mở cửa chính thức vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện kỹ thuật tốn thời gian hơn dự kiến, ví dụ làm sao để hệ thống nhận diện chính xác những khách hàng có thân hình na ná nhau, hoặc trẻ em hiếu động thường làm xáo trộn hàng hóa và trả lại không đúng vị trí.
Amazon Go chính là nỗ lực tham vọng nhất của Amazon trong chiến lược thay đổi phương thức mua sắm của người tiêu dùng tại các cửa hàng truyền thống và giành được vị thế lớn hơn nữa trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện ích tại Mỹ, với quy mô thị trường ước tính lên tới 550 tỷ USD.
Amazon cũng hy vọng công nghệ mới áp dụng tại Amazon Go sẽ giúp thương hiệu này vượt qua 150.000 cửa hàng tiện ích khác trên cả nước, vốn thường xuyên chịu cảnh xếp hàng kéo dài tại các quầy thanh toán.
Hải Châu