Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Baku (Azerbaijan) hôm 17/3, ông Al-Falih cho rằng liên minh 24 quốc gia, bao gồm các thành viên Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác - gọi tắt là OPEC+, cần phải “giữ vững cam kết” cho đến tháng 6/2019 vì nhiệm vụ khôi phục thị trường dầu mỏ “còn lâu mới hoàn thành”.
Không lơ là chủ quan
Lượng dầu tồn kho của Mỹ hiện vẫn đang ở trên mức bình thường và có nguy cơ dư cung trong ngắn hạn, ông Al-Falih cho biết. Tuy nhiên, Nga và Iraq - hai nước sản xuất dầu có “vai vế” trong OPEC+ lại tỏ ra không mặn mà lắm với việc phải tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Cũng trong cuộc họp báo trên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng những bất ổn phát sinh từ hoạt động sản xuất dầu mỏ ở Venezuela và Iran sẽ khiến OPEC+ khó có thể xác định bước đi tiếp theo trước tháng 5 hoặc tháng 6 tới đây.
Theo kế hoạch, một ủy ban chịu trách nhiệm giám sát sản lượng OPEC+ sẽ có cuộc họp trong tháng 3 này, tại Baku. OPEC và các nước đối tác đã bước vào năm thứ ba thực hiện thỏa thuận tiết giảm nguồn cung để bảo vệ giá dầu thô.
Mặc dù sự phối hợp này đã giúp phục hồi 25% giá dầu Brent trong năm nay, song giá hiện tại khoảng 67 USD/thùng vẫn nằm dưới mức mà hầu hết các nước kỳ vọng để bảo đảm cân bằng ngân sách.
“Đánh giá của tôi là công việc phía trước vẫn còn nhiều. Hàng tồn kho vẫn đang tăng lên”, ông Al-Falih chia sẻ. Đồng thời, bất ổn thị trường và bất ổn chính trị khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về việc rót tiền vào hoạt động thăm dò và khai thác, OPEC+ không muốn giá dầu bị đội lên quá cao.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát cung cầu và sẽ làm những gì cần thiết trong nửa cuối năm 2019 để giữ cho thị trường cân bằng”, ông nói.
Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra áp lực không nhỏ lên OPEC về việc cần “nới lỏng” lập trường cắt giảm nguồn cung trong bối cảnh sự sụt giảm nghiêm trọng sản lượng của hai quốc gia thành viên Iran và Venezuela có nguy cơ khiến nguồn cung “từ thừa thành thiếu”.
OPEC+ đang tuân thủ tốt thỏa thuận cắt giảm sản lượng |
Quan sát rồi quyết định tiếp
Ông Al-Falih khẳng định sẽ không thay đổi quan điểm về chủ trương hạn chế sản lượng, vì những xáo trộn vừa qua ở cả nước trên chưa đủ “nặng ký”. Kể cả trong trường hợp tình hình Iran và Venezuela tiếp tục diễn biến xấu thì OPEC cũng sẵn sàng tư thế ứng phó như đã làm trong quá khứ.
“Các nước sản xuất dầu mỏ đang tuân thủ tốt thỏa thuận cắt giảm sản lượng và sẽ dễ dàng vượt mức 100% trong tháng 3 này”, ông Al- Falih cho hay.
Ả-rập Xê-út sẽ bơm khoảng 9,8 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 3 và tháng 4, đồng thời xuất khẩu chưa tới 7 triệu thùng mỗi ngày trong cả hai tháng đó. Mục tiêu của nước này là sản xuất 10,3 triệu thùng dầu/ngày.
“Hôm nay, chúng tôi đã thống nhất rằng cần tiếp tục theo dõi tình hình cho đến tháng 5 hoặc tháng 6 để thảo luận về các quyết định cho nửa cuối năm nay”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết. Theo nguồn tin từ Interfax, Nga đã cắt giảm sản lượng 140.000 - 150.000 thùng mỗi ngày trong tháng 3/2019 so với tháng 10/2018.
Iraq cũng đang cố gắng hết sức để tuân thủ mục tiêu cắt giảm đã cam kết và sẽ bơm ít dầu hơn trong tháng 3 so với tháng 1 hoặc tháng 2, theo lời Bộ trưởng Dầu mỏ nước này, ông Thamer Al-Ghadhban cho biết.
Phấn khởi với kết quả giá dầu tăng nhờ sự phối hợp của các bên, ông bày tỏ hy vọng các nước sản xuất sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình cắt giảm như đã thỏa thuận.
“Chúng tôi sẽ tuân thủ đến tháng 6 và sau đó quyết định tiếp, nhưng chúng tôi đang tiếp tục quan sát và phân tích thị trường”, ông Ghadhban cho biết.
Hải Châu