Đây là động thái hoàn toàn dễ hiểu giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử, với đối thủ rất mạnh hiện nay là Lazada được hậu thuẫn bởi tập đoàn lớn Alibaba và Shopee của SEA. Hiện, cả hai bên Tiki và Sendo đều chưa đưa ra bình luận thêm về thông tin sáp nhập.
Trước đó, vào tháng 2, một nguồn tin rò rỉ cho biết 2 trang thương mại điện tử này đang đàm phán để tiến đến việc "về chung một nhà".
Theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của iPrice Group, Tiki và Sendo là 2 sàn thương mại điện tử nội địa thuộc top 4 website thương mại điện tử tại Việt Nam xét theo lượng truy cập. Danh sách này bao gồm: Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo.
Trong đó, Tiki được thành lập và điều hành bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Tiki. Hiện, Công ty cổ phần VNG đang nắm giữ 24,6% cổ phần của Tiki. Ngoài ra, Tiki còn được rót vốn bởi quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ Singapore là EDBI, VNG, JD.com, đến các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; đến từ Nhật Bản như CyberAgent Ventures, Sumitomo… Đây là các quỹ đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ trên thế giới cũng như khu vực châu Á.
Tiki và Sendo đã đạt được thỏa thuận sáp nhập (Ảnh Internet) |
Còn Sendo được thành lập bởi Tập đoàn FPT. Tại thời điểm tháng 6/2019, có 9 cổ đông nước ngoài nắm 57,31% vốn tại Sendo. Trong 9 cổ đông nói trên, SBI E-Vietnam Pte. Ltd (Singapore) sở hữu nhiều nhất, với 20,65% cổ phần và theo sau đó là Econtext Asia Ltd (Trung Quốc) với 10,57%.
Hiện, 2 doanh nghiệp Sendo và Tiki sáp nhập, có thể là hy vọng cho nền thương mại điện tử trong nước. Tiki có lợi thế phục vụ cho người tiêu dùng sống ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, Sendo phổ biến hơn đối với người dùng ở khu vực ngoại ô và nông thôn của Việt Nam. Và việc 2 đơn vị này "về chung một nhà" có thể tạo ra một công ty mới có tiềm lực mạnh mẽ nhằm đối trọng với 2 doanh nghiệp ngoại là Lazada và Shopee.
Công Trí