Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Chuyển đổi số không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, mà còn mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Văn Minh trình bày lộ trình triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME. |
Tại Hội thảo Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nhìn từ thực tiễn triển khai trong nhóm doanh nghiệp điển hình diễn ra chiều 26/3 tại Hà Nội, các doanh nghiệp đã được giới thiệu và phổ biến kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình chuyển đổi số, từ đó có cái nhìn cụ thể hơn về các giải pháp, công nghệ phù hợp cũng như cách thức triển khai hiệu quả.
Qua quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng đề án, lộ trình và triển khai chuyển đổi số, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn Doanh nghiệp (iEIT), Trường Đại học Ngoại thương cho biết, doanh nghiệp SME hiện nay rất quan tâm tìm hiểu, đầu tư vào quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, thiếu nguồn lực tài chính và nhân sự. Hầu hết doanh nghiệp cũng như chưa có lộ trình chuyển đổi số rõ ràng.
"Thậm chí, có trường hợp “dao sắc không gọt được chuôi”, doanh nghiệp công nghệ lại không biết gì về chuyển đổi số", chuyên gia nêu ví dụ.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh, chuyển đổi số bắt đầu từ tầm nhìn, bản lĩnh và can đảm và quyết tâm của lãnh đạo, đặc biệt với doanh nghiệp SME vì đây là một quá trình mới và khó, thất bại không ít. "Muốn chuyển đổi số thành công thì mỗi doanh nghiệp cần phải tìm được một con đường phù hợp, được xây dựng trong quá trình chuyển đổi, đúc rút kinh nghiệm, đi từ đơn giản đến phức tạp”, ông Minh nhìn nhận.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ, mà quan trọng là con người. “Con người mới là trung tâm của quá trình chuyển đổi số này. Nó được khởi động bằng quản trị, chuyển đổi số chỉ là phương tiện để chuyển đổi”.
Còn theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, SME có lợi thế là ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới. Tuy nhiên do “nhỏ và vừa", nguồn lực còn hạn chế nên cần liên kết, học hỏi lẫn nhau để tối ưu nguồn lực, tối thiểu sai sót, lãng phí.
Câu chuyện của CTCP Hồng Lam – doanh nghiệp sản xuất ô mai truyền thống – là ví dụ điển hình cho SME chuyển đổi số từ rất sớm và có hướng đi phù hợp. Với hàng trăm sản phẩm, hàng chục cửa hàng và kênh phân phối đa dạng, Hồng Lam đã ứng dụng công nghệ để xử lý các bài toán phức tạp như phân bổ nguyên liệu theo nhu cầu thị trường, quản lý năng suất thiết bị – nhân sự, theo dõi chất lượng sản phẩm theo thời gian.
Ông Nguyễn Viết Hồng Đức, Giám đốc Quản trị số của Hồng Lam, cho biết công ty từng chi hàng trăm triệu đồng để thuê tư vấn chuyển đổi số nhưng không đạt kết quả như mong đợi. Sau đó, doanh nghiệp thay đổi hướng tiếp cận, bắt đầu từ những công cụ đơn giản, thậm chí miễn phí của Google… rồi mới từng bước đầu tư vào hệ thống chuyên sâu hơn.
“Không cần tốn quá nhiều tiền để bắt đầu công cuộc chuyển đổi số. Chuyển đổi số là sự kết hợp giữa khoa học và công nghệ để phục vụ hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp không nên phụ thuộc vào công cụ, mà cần xuất phát từ mục tiêu, chiến lược rõ ràng”, ông Đức chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng SME không cần đi theo mô hình lớn mà cần xây dựng lộ trình riêng phù hợp với thực lực và mục tiêu của mình. Tư duy đúng, xuất phát từ nhu cầu nội tại, bắt đầu từ những giải pháp đơn giản, chi phí thấp, linh hoạt điều chỉnh theo từng giai đoạn sẽ là hướng đi khả thi.
Chuyển đổi số là hành trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên trì, chủ động học hỏi và sẵn sàng thay đổi. Với sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước, sự đồng hành của các tổ chức hỗ trợ và chính cộng đồng doanh nghiệp, SME hoàn toàn có thể tạo ra đột phá nếu đi đúng hướng.
Đỗ Kiều