UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty Amkor Technology (Amkor) vừa tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong II-C.
“Miếng bánh” hấp dẫn
Tổng vốn đầu tư đến năm 2035 của dự án là 1,6 tỷ USD, tổng diện tích khoảng 23ha. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến được đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Dự kiến khởi công giai đoạn đầu vào quý I/2022 và sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp, kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn trên thế giới.
Thị trường vật liệu bán dẫn Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đưa vào tầm ngắm. |
Thực tế, trong khoảng hơn 10 năm qua đã có nhiều đại gia nước ngoài đổ tiền đầu tư vào lĩnh vực điện tử vi mạch tại Việt Nam. Điển hình như Intel, Jabil, Sonion, Datalogic, GES... ở Tp.HCM. Hay các tập đoàn Microchip, Renesas, Applied Micro (AMCC), Marvell, Arrive Technologies, eSilicon, Sigma Designs, Uniquify... chuyên về gia công thiết kế các sản phẩm vi mạch và phần mềm nhúng.
Sở dĩ các “đại bàng” liên tục đổ tiền đầu tư là bởi ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển, sự gia tăng lượng tiêu thụ các sản phẩm smartphone, máy tính bảng, truyền hình kỹ thuật số, thiết bị điện tử tự động cho thấy tiềm năng của lĩnh vực này.
Ông Don Tran, Giám đốc điều hành Công ty Global Equipment Services (GES), cho rằng thị trường thiết bị bán dẫn Việt Nam đang rất tiềm năng khi lượng người sử dụng internet thuộc hàng cao trên thế giới, nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử của người tiêu dùng gia tăng.
Thành lập vào năm 1968, Amkor hiện là đối tác sản xuất chiến lược cho các công ty bán dẫn, xưởng đúc và OEM điện tử hàng đầu thế giới, như Qualcomm, Samsung, Foxconn, LG… Hiện, công ty đang có văn phòng đặt tại 12 quốc gia bao gồm các khu vực sản xuất điện tử quan trọng tại châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.
Trong Quý I/2021, Amkor ghi nhận doanh thu kỷ lục 1,33 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, đẩy giá chip bán dẫn tăng vọt.
Nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng ứng dụng các sản phẩm điện tử trong kinh doanh như thẻ giữ xe điện tử, thậm chí một số nhà hàng bắt đầu sử dụng máy tính bảng hoặc bảng điện tử để giới thiệu thực đơn…
Cũng theo ông Don Trần, tỷ lệ người dân hiện sở hữu xe ô tô còn thấp và sẽ tăng lên trong tương lai. Điều này cũng giúp cho thị trường thiết bị bán dẫn trong nước phát triển bởi chi phí bình quân sản xuất cho một chiếc xe ô tô cũng tốn khoảng 1.000 USD cho thiết bị bán dẫn.
Một điều quan trọng khác mà giới đầu tư chuyển thước ngắm vào Việt Nam là ngành công nghiệp bán dẫn hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ. Vi mạch điện tử được xem là một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước.
Nhờ chính sách và hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu, các khu công nghiệp và công nghệ cao tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang… với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào đã trở thành điểm đến hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư.
Nhìn nhận về vấn đề các nhà đầu tư quốc tế rót tỷ USD vào thị trường bán dẫn Việt Nam, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng vì công nghiệp bán dẫn là công nghệ cao, Việt Nam hầu như khởi đầu từ con số 0 nên việc dựa vào công nghệ nước ngoài là tất yếu.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, để đi đường dài, mục tiêu phấn đấu của phía Việt Nam là phải làm sao để công ty nước ngoài chuyển giao một phần công nghệ, chứ không phải chỉ làm gia công, lắp ráp đơn giản.
Việc Amkor quyết định đổ 1,6 tỷ USD để đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn rõ ràng cho thấy ý đồ chia phần trong "chiếc bánh" đầy hấp dẫn tại thị trường Việt Nam. Một ông lớn khác cũng đến từ Hàn Quốc là Samsung cũng được kỳ vọng sẽ đầu tư mạnh hơn vào công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.
Vào trung tuần tháng 5/2021, Samsung thông báo sẽ đầu tư thêm 36 tỷ USD vào các mảng kinh doanh bán dẫn, nâng tổng số tiền đầu tư vào mảng này lên khoảng 151 tỷ USD vào năm 2030. Việc Amkor đầu tư vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ là "chất xúc tác" khiến Samsung sẽ tích cực hơn ở mảng này trong thời gian tới.
Cuộc đua toàn cầu
Không chỉ tại Việt Nam, với sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường bán dẫn ở các quốc gia đang liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy vai trò "xương sống" của ngành công nghiệp bán dẫn đối với mọi lĩnh vực sản xuất hiện đại.
Cuộc đua trong ngành công nghiệp bán dẫn sẽ tiếp tục khốc liệt trong các năm tới. |
Cuộc khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu từ cuối năm 2020 đang làm gián đoạn sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp, từ công nghiệp ô tô đến thiết bị y tế, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng...
Đơn cử, năm 2020, "gã khổng lồ" công nghệ Apple, doanh nghiệp mua chất bán dẫn lớn nhất thế giới với mức chi tiêu 58 tỷ USD mỗi năm, đã buộc phải trì hoãn việc ra mắt chiếc iPhone 12 trong hai tháng, do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.
Thời hậu khủng hoảng Covid-19, các nước lớn tiếp tục chạy đua đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chính sách công nghiệp mới của Chính phủ Mỹ tập trung đầu tiên và quan trọng nhất vào lĩnh vực chất bán dẫn.
Trong số 250 tỷ USD ngân sách phân bổ cho dự luật năng lực cạnh tranh được Thượng viện Mỹ thông qua vào tháng 7/2021, 52 tỷ USD được dùng để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Trong khi đó, Trung Quốc đã triển khai một chương trình khổng lồ nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa để đạt vị trí hàng đầu trên thế giới. Nhật Bản và châu Âu đang cố gắng giành lại thị phần mà họ đã mất.
Còn Hàn Quốc, quốc gia có những công ty đã chiếm một số thị phần từ Mỹ trong những năm gần đây, cũng đang tạo cú hích lớn trong việc phát triển ngành bán dẫn.
Có thể thấy, các quốc gia đang chi những khoản tiền khổng lồ cho các công ty chip và giúp tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất, tăng cường nghiên cứu và phát triển, và hơn thế nữa.
Theo các chuyên gia, thế giới đang chuẩn bị cho một "cuộc đua" về chất bán dẫn, trong đó sự cân bằng trong hỗ trợ cho cả sản xuất và sáng tạo đổi mới sẽ phân định "kẻ thắng người thua" trong lĩnh vực này.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của “nền kinh tế số” vào tổng sản phẩm quốc nội lên khoảng 20% vào năm 2025 và 30% GDP trong năm 2030. Dự kiến, tới năm 2045, Việt Nam sẽ phần nào đạt được những thành tựu to lớn trong việc sản xuất chip nhờ các vật liệu bán dẫn.
Cùng với Intel, các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn như Amkor hay Samsung sẽ là những "đại bàng" dẫn đường, thu hút những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và chuyển giao công nghệ, từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chíp tại Việt Nam phát triển.
Hưng Nguyên