Nói về “tương lai” của tỷ giá tại Việt Nam, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục giảm xuống 22.525 VND/USD vào cuối năm nay. Bước sang năm 2022, tỷ giá VND/USD sẽ đảo chiều lên mức 23.000 VND/USD, trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn FDI chảy vào chậm lại. Điều này sẽ có tác động đến kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng.
Sụt giảm mạnh do đâu?
Theo báo cáo tài chính quý III/2021, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối của nhiều ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ 2020. Trong đó, VietABank là ngân hàng giảm mạnh nhất đến 79% so cùng kỳ, từ 5.146 tỷ đồng xuống còn 1.085 tỷ đồng. Tiếp đến là OCB giảm 72,6% lãi thuần từ nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, còn mức sụt giảm này tại ABBank là 70%.
SeABank cũng ghi nhận sụt giảm 60%, chỉ đạt 15,6 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối của PGBank giảm 35%, chỉ thu về hơn 4 tỷ đồng trong kỳ này; VietBank giảm 18% so cùng kỳ...
Nguyên nhân khiến lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng sụt giảm trong thời gian qua do tỷ giá ổn định và cung cầu ngoại tệ khá tốt. |
Thậm chí, một số ngân hàng còn “ngậm quả đắng” khi chuyển từ lãi sang lỗ như: NCB lỗ 863 triệu đồng từ hoạt động này, trong khi cùng kỳ lãi 564 triệu đồng. TPBank ghi nhận mức lỗ 44,6 tỷ đồng…
Trong mảng kinh doanh ngoại hối, phần lớn lãi thuần đến từ hoạt động mua - bán ngoại tệ giao ngay, tức nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra. Chẳng hạn, trong 9 tháng đầu năm 2020, chênh lệch giá mua - bán USD tại các ngân hàng khá rộng 160 - 220 đồng/USD. Hơn nữa, chênh lệch giá mua vào USD của các ngân hàng và giá bán USD của các ngân hàng cho NHNN (tỷ giá Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước) khoảng 25 - 85 đồng/USD. Nhờ chênh lệch giá mua và bán USD rộng đã giúp các ngân hàng đạt được biên lợi nhuận cao hơn trong mỗi giao dịch.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay NHNN đã thay đổi chính sách mua - bán ngoại tệ đã tác động trực tiếp tới lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối, nguồn thu ngoài lãi chiếm tỷ trọng khá lớn tại một số ngân hàng. Cụ thể, từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2021 NHNN đã điều chỉnh chính sách mua - bán ngoại tệ từ giao ngay sang có kỳ hạn 6 tháng, có hủy ngang 1 lần.
Nhìn nhận về sự điều chỉnh này, công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, việc ngưng hoạt động mua ngoại tệ giao ngay cho thấy NHNN không còn sẵn sàng mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối như trước kia. Trong khi đó, dịch Covid-19 khiến nhu cầu giao dịch ngoại tệ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, du học,… bị sụt giảm. Hai yếu tố này sẽ khiến nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng luôn trong trạng thái dương.
Để tiền không “chết” trong tài khoản, các ngân hàng sẽ hoán đổi USD sang VND, sau đó dùng VND để cho vay các doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND giảm, đồng nghĩa tiền đồng tăng giá gần 1,5%, theo đó 1 USD đổi được 22.625 VND (so với năm ngoái 1 USD đổi được 23.100 VND). Vì vậy, trong trường hợp tỷ giá giảm, ngân hàng sẽ lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, song sẽ được bù đắp từ hoạt động cho vay. Tuy nhiên, hai mảng này được hạch toán khác nhau.
Lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối khó tăng
Ở góc nhìn khác, trao đổi với VnBusiness, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nguyên nhân khiến lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng sụt giảm trong thời gian qua do tỷ giá ổn định và cung cầu ngoại tệ khá tốt.
Như đã nói ở trên, việc kinh doanh ngoại hối ở các ngân hàng chủ yếu kiếm lợi từ chênh lệch tỷ giá. Do đó, vào những năm tỷ giá biến động càng mạnh, càng nhiều đợt thì năm đó các ngân hàng thường có lợi nhuận lớn ở mảng kinh doanh này, và ngược lại. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay NHNN có hai lần giảm mạnh giá mua vào USD trong các ngày 8/6 và 11/8/2021, sau đó tỷ giá luôn trong xu hướng ổn định.
Nhận định về mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng trong quý IV/2021, một số ý kiến cho rằng việc NHNN đã áp dụng lại hoạt động mua ngoại tệ giao ngay kể từ ngày 11/8/2021 được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến các ngân hàng trong quý cuối năm. Tuy nhiên, do chênh lệch giữa giá mua - bán USD niêm yết hiện ở khoảng 80 đồng/USD, ít hơn so với cùng kỳ 2020, nên biên lợi nhuận sẽ không nhiều.
Mặt khác, tỷ giá USD/VND được dự báo duy trì xu hướng ổn định đến hết năm 2021 cũng là “rào cản” tăng lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối cho các ngân hàng. Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, cán cân thương mại trong tháng 9 đã đảo chiều xuất siêu cộng với việc Chính phủ từng bước mở cửa lại nền kinh tế sẽ khiến cán cân thương mại được cải thiện vào giai đoạn cuối năm. Cùng với đó, khả năng kiều hối tăng trưởng tốt sẽ giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.
Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay sẽ không suy giảm so với năm ngoái, ước đạt khoảng 18 tỉ USD, tăng khoảng 4,5%. Điều này cũng được chứng minh khi trong quý III TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội, nhưng lượng kiều hối vẫn đổ về qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn ước khoảng 1,9 tỉ USD.
Thận trọng hơn, khối nghiên cứu toàn cầu của HSBC dự báo, tỷ giá sẽ tiếp tục giảm trong quý IV/2021, nhưng sẽ đảo chiều tăng trở lại vào năm 2022.
Kể cả khi tỷ USD/VND được dự báo giảm hay ổn định những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng cũng không hỗ trợ nhiều cho các ngân hàng trong việc kiếm lời từ chênh lệch biến động này. "Giá trị giao dịch ngoại hối có thể vẫn cao, nhưng thu nhập ngoại hối của các ngân hàng có thể giảm trong năm 2021", SSI nhận định.
Thay vào đó, tỷ giá giữ được trạng thái ổn định sẽ tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo thuận lợi cho các ngân hàng hoạt động hiệu quả.
Thanh Hoa