PVN đã tiến hành CPH, sắp xếp, thoái vốn, IPO thành công một số đơn vị lớn, theo ông nguyên nhân là do đâu?
PVN sẽ từng bước triển khai cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn trong giai đoạn từ nay tới năm 2025 mà trước hết là từ dấu ấn IPO thành công 3 đơn vị trong đầu năm 2018.
PVPower, PVOil và Lọc hóa dầu Bình Sơn là 3 DN CPH có quy mô vốn lớn của PVN với giá trị phần vốn góp của Nhà nước được kiểm toán xác định là 89.000 tỷ đồng. Qua đợt IPO thành công 3 đơn vị này hồi đầu năm, PVN đã thu về 16.500 tỷ đồng, trong đó thặng dư giá trị vốn nhà nước là 7.500 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, tính cả giá trị CPH và thoái vốn nhà nước, PVN đã thu về 18.600 tỷ đồng, chiếm tới 83% giá trị thực hiện của cả nước (22.500 tỷ đồng) trong bối cảnh CPH, thoái vốn diễn ra chậm.
Chúng tôi nhận thấy có 4 nguyên nhân dẫn tới thành công. Thứ nhất là lợi thế nội tại của các đơn vị này có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo các đơn vị luôn ý thức việc CPH là tất yếu để phát triển đơn vị, mang lại lợi ích lớn nhất cho Nhà nước và các cổ đông.
Thứ hai, HĐTV PVN đã thành lập Ban Chỉ đạo CPH, có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan để phối hợp, xử lý nhanh chóng, kịp thời các vướng mắc khi IPO. Trong quá trình này, việc mời kiểm toán nhà nước kiểm toán thẩm định giá trị DN có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy tiến độ CPH. Nhờ đó, tạo ra căn cứ pháp lý, khoa học để lãnh đạo Chính phủ nhanh chóng phê duyệt phương án CPH PVPower, PVOil và BRS.
Thứ ba, Ban Chỉ đạo đã thực hiện kỹ càng công tác chuẩn bị CPH từ lập kế hoạch tổ chức, nghiên cứu thị trường, lựa chọn đối tác, các nhà đầu tư (NĐT), tổ chức giới thiệu về tiềm năng phát triển, lợi ích kinh tế khi mua cổ phần các đơn vị IPO. Điều này đã tạo niềm tin vững chắc cho các NĐT.
Đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ kịp thời của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan trong chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc khi CPH. Chỉ trong 1 tháng kể từ khi PVN hoàn thành báo cáo tiếp thu/giải trình ý kiến của các bộ, ngành tới khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ họp kết luận và Thủ tướng phê duyệt Phương án CPH của 3 đơn vị là một kỷ lục về thời gian phê duyệt, bảo đảm các quy định của pháp luật, tận dụng được cơ hội của thị trường, mang lại giá trị cao nhất cho Nhà nước.
Ông Đinh Văn Sơn |
Ông có thể rút ra bài học kinh nghiệm của việc IPO thành công PVPower, PVOil và BSR của PVN là gì?
Những nguyên nhân mang lại thành công IPO 3 đơn vị nói trên cũng là những bài học kinh nghiệm cho PVN trong CPH, thoái vốn. Nhưng bài học quan trọng nhất, đó là công tác CPH phải được thực hiện minh bạch và tôn trọng nguyên tắc thị trường, sử dụng thị trường làm thước đo giá trị của DN trước khi CPH, tối đa hóa lợi ích cho Tập đoàn, Nhà nước. Đặc biệt, phải xây dựng được phương án SX-KD sau CPH để DN phát triển ổn định và tốt hơn, tạo niềm tin cho các NĐT và đã tạo cơ hội cho các NĐT đủ điều kiện tham gia quản trị công ty.
Cùng với nguyên tắc đề cao minh bạch và nguyên tắc thị trường, tôi cho rằng con người cũng là yếu tố quan trọng để tạo nên thành công của các thương vụ CPH. Thực tế, PVOil và PVPower đã từng đề nghị IPO ở mức 5 rồi lên 7 và cuối cùng là 8%. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu của thị trường và lợi thế to lớn của 2 đơn vị này, Ban Chỉ đạo CPH đã quyết tâm bán tối đa 20% vốn nhà nước ở mỗi đơn vị theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2011/ NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Do đó, ngay cả khi các đơn vị chưa tìm được NĐT chiến lược thì trách nhiệm CPH cũng sẽ đỡ nặng nề hơn về sau.
Thực tế, sau khi CPH, 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động SX-KD của DN đã khởi sắc. BSR doanh thu thực hiện 6 tháng đầu năm 2018 đạt 55.585 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017. PVPower có lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.554 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017. PVOIL lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 320 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017.
PVN đang thực hiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn từ nay tới năm 2025, trong đó có những kiến nghị liên quan tới các ưu đãi do đặc thù của hoạt động dầu khí. PVN có bảo đảm những ưu đãi này được chấp thuận sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh và gia tăng đồng vốn của Nhà nước?
Thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó cho phép để lại một phần lãi dầu của nước chủ nhà, cho phép để lại 100% phần thu từ CPH và thoái vốn tại các công ty con thuộc Tập đoàn… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay các chính sách này chưa được triển khai đầy đủ, đồng bộ.
Để tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững, gia tăng đồng vốn nhà nước, tại Đề án cơ cấu lại Tập đoàn từ nay tới năm 2025, PVN đã có những kiến nghị nhằm thực hiện một số cơ chế chính sách đã được nêu trong Nghị quyết 41, bao gồm cả các kiến nghị chung cho các DNNN khi CPH, thoái vốn. Cụ thể, PVN đề nghị Nhà nước xem xét cơ chế phân bổ nguồn thu từ CPH, thoái vốn để lại cho DN thực hiện tái đầu tư.
Thực chất, thu từ CPH và thoái vốn là nguồn thu của tương lai, bao gồm cả phần của Nhà nước và của DN được phát sinh tại một thời điểm là CPH hoặc thoái vốn. Nhà nước cần để lại phần thu này cho DN nếu không giảm vốn điều lệ.
Phần thặng dư còn lại thực chất có 30% quỹ đầu tư phát triển của DN cộng với một số quỹ khác. Đề nghị Nhà nước xem xét để lại cho các DNNN khoảng 30 - 40% phần thặng dư này, trong đó có quy định DN.
Các cơ chế chính sách này được chấp thuận sẽ giúp cho PVN có thêm các nguồn vốn để phục vụ các dự án lớn, trọng điểm, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, từ đó tiếp tục đóng góp tích cực hơn cho ngân sách nhà nước một cách ổn định và bền vững.
P.V thực hiện