Trong tháng 10, PVN đã khai thác đạt tổng sản lượng quy dầu toàn Tập đoàn đạt 1,93 triệu tấn. Tính chung 10 tháng, toàn Tập đoàn khai thác đạt 20,1 triệu tấn, vượt 4,9% so với kế hoạch 10 tháng và bằng 87,9% kế hoạch năm.
Khai thác trên 20 triệu tấn quy dầu
Trong đó, sản lượng khai thác dầu tháng 10 đạt 1,15 triệu tấn, vượt 7,2% so với kế hoạch tháng, khai thác 10 tháng đạt 11,71 triệu tấn, vượt 5,5% so với kế hoạch 10 tháng và bằng 88,5% kế hoạch năm. Khai thác dầu ở trong nước 10 tháng đạt 10,07 triệu tấn, vượt 5,8% so với kế hoạch; ở nước ngoài 10 tháng đạt 1,64 triệu tấn, vượt 3,3% kế hoạch.
Sản lượng khai thác khí tháng 10 đạt 0,78 tỷ m3, tính chung 10 tháng đạt 8,39 tỷ m3, vượt 4,1% kế hoạch 10 tháng và bằng 87,4% kế hoạch năm. Sản xuất phân urê tháng 10 đạt 145.000 tấn, 10 tháng sản xuất đạt 1,38 triệu tấn, vượt 7,2% kế hoạch 10 tháng và 89,6% kế hoạch năm.
Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn tháng 10 đạt 1,0 triệu tấn, vượt 2,0% so với kế hoạch tháng, tính chung 10 tháng đạt 7,46 triệu tấn, bằng 84,2% kế hoạch 10 tháng.
Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn hoàn thành vượt mức 2 - 8,7% kế hoạch tháng. Tính chung 10 tháng năm 2018, các chỉ tiêu sản xuất của PVN đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức từ 3,3% - 14,3% kế hoạch đề ra.
Bên cạnh việc hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, giá dầu trung bình trong tháng 10 cũng có sự khởi sắc nên các chỉ tiêu tài chính của PVN cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch và cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.
PVN đã hoàn thành kế hoạch cả năm chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó 10 tháng toàn Tập đoàn nộp NSNN đạt 90,9 nghìn tỷ đồng, vượt 23,2% kế hoạch năm. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 499,5 nghìn tỷ đồng, vượt 21,1% kế hoạch 10 tháng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2017.
PVN được xếp hạng 1 trong Bảng xếp hạng Profit500 - Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018.
Trong tháng 10, Tọa đàm “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển” đã khẳng định và làm rõ vai trò ngành Dầu khí trong chiến lược kinh tế biển Việt Nam, đồng thời đưa ra hướng phát triển phù hợp trong giai đoạn tiếp theo nhằm mục đích đưa ngành Dầu khí và PVN phát triển bền vững.
Rất nhiều kỳ vọng đã được các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý đặt ra đối với ngành Dầu khí tại buổi tọa đàm này. Tuy nhiên, để ngành Dầu khí phát huy vai trò hạt nhân trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, điều kiện kiên quyết là phải hoàn thiện khung khổ pháp lý.
Giàn khoan Tam Đảo 05 |
Khẳng định vai trò ngành dầu khí
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, đóng góp của ngành Dầu khí vào nền kinh tế rất rõ ràng. Không chỉ đóng góp rất lớn vào NSNN, tăng trưởng nhanh và bền vững, ngành Dầu khí còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc gia và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Đặc biệt, ngành Dầu khí đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước. Trước hết là bảo đảm được việc làm cho người lao động với mức thu nhập cao, ổn định, chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao. Đặc biệt ngành dầu khí là ngành đặt nền móng cho phát triển kinh tế vùng, làm đầu tàu tăng trưởng kinh tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng cấp bách phải sửa đổi Luật Dầu khí. Bối cảnh khung pháp lý đặt ra cho ngành Dầu khí hiện nay khác trước rất nhiều. Đầu tiên là trữ lượng khai thác đã khác. Hiện nay, ngay cả những dự án hóa dầu mới cũng đang phải nhập nguyên liệu nước ngoài vào. Cho nên, hành lang pháp lý cho dầu khí phải thay đổi.
“Trong bối cảnh mới hiện nay ở trong nước và quốc tế, tái cơ cấu, đặc biệt là vấn đề tiềm năng, trữ lượng dầu khí, điều kiện khai thác… sẽ tác động đến khung khổ pháp lý. Tôi cho rằng cần sớm xúc tiến đánh giá việc thực hiện luật và ban hành một luật đầy đủ về thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của ngành Dầu khí”, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc nói.
Hồng Quân