Quyết định truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của PVEP bắt nguồn từ Công văn số 2199/QĐ-TCT ngày 22/12/2017 của Tổng cục Thuế yêu cầu PVEP phải "thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền thuế TNDN hoãn lại phát hiện qua kiểm tra".
"Người khổng lồ" bị đốn ngã
Số tiền mà Tổng cục Thuế yêu cầu PVEP nộp theo Quyết định này là 4.807 tỷ đồng. Sau đó, vào ngày 27/12/2017, PVEP đã nhận được Công văn số 82704/CT-KTT2 ngày 26/12/2017 của Cục Thuế Tp. Hà Nội về việc đôn đốc thực hiện Quyết định số 2199 nói trên và đề nghị PVEP nộp số tiền thuế nêu trong Quyết định trước ngày 31/12/2017.
PVEP đã có các Công văn số 2426/TDKT-HĐTV gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Công văn số 2199/TDKT-KT&KT ngày 27/12/2017 gửi Tổng Cục thuế.
PVN cũng đã có Công văn số 8376/DKVN-TC ngày 29/12/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính để giải trình, khiếu nại và khẳng định rằng: Toàn bộ doanh thu PVEP nhận được từ việc bán dầu khí, PVEP đã thực hiện quyết toán và nộp thuế TNDN theo từng hợp đồng dầu khí đầy đủ theo đúng quy định và không nợ thuế đối với ngân sách nhà nước. Các cục thuế địa phương và Tổng cục Thuế đã tiến hành kiểm tra và quyết toán.
Số liệu phản ánh trên tài khoản thuế thu nhập hoãn lại về bản chất là khoản thu hồi chi phí đầu tư của PVEP. Tuy nhiên, theo giải trình của PVEP "đây chính là một phần vốn điều lệ, các quỹ và tiền vay ngân hàng của PVEP. Nếu phải nộp theo yêu cầu của Tổng cục Thuế tại Quyết định số 2199/QĐ-TCT ngày 22/12/2017 có nghĩa là PVEP nộp vốn điều lệ, quỹ và tiền vay ngân hàng của PVEP cho Nhà nước. Như vậy, PVEP sẽ không bảo toàn được vốn".
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một lãnh đạo PVEP cho biết: Điều này càng hệ trọng hơn trong bối cảnh nguồn tiền cho sản xuất kinh doanh của PVEP chủ yếu là đi vay, hoạt động trong lĩnh vực đầy rủi ro là tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Trong trường hợp nếu PVEP phải nộp khoản tiền nêu trên (4.807 tỷ đồng), tuân thủ Quyết định 2199/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế, thì PVEP sẽ phải đối mặt với việc mất khả năng thanh toán và lâm vào tình trạng phá sản do không thể cân đối được dòng tiền để đầu tư và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Trong trường hợp nếu PVEP phải nộp khoản tiền 4.807 tỷ đồng, tuân thủ Quyết định 2199/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế, thì PVEP sẽ phải đối mặt với việc mất khả năng thanh toán và lâm vào tình trạng phá sản do không thể cân đối được dòng tiền để đầu tư và thanh toán các khoản nợ đến hạn. |
Hệ lụy khó lường
Tại thời điểm hiện tại, PVEP đang phải "gồng mình" co kéo tài chính để hoạt động. Chưa tính đến việc phải nộp số tiền nói trên, dòng tiền của PVEP đã bị âm 295,72 triệu USD trong năm 2018 và dự kiến âm tới 2,6 tỷ USD đến năm 2020, do hiện PVEP đang phải thực hiện tái cấu trúc, cắt giảm đầu tư, chuyển nhượng hoặc chấm dứt một số dự án…
Hiện nay, để duy trì hoạt động, PVEP đang phải đi vay 1.221,6 triệu USD và nợ góp vốn cho các dự án dầu khí 113,5 triệu USD. Tổng cộng các nghĩa vụ vay nợ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.
Nếu phải nộp tiếp số tiền nói trên, tình hình tài chính của PVEP càng khó khăn và trực tiếp đẩy PVEP vào tình trạng vi phạm hầu hết các hợp đồng vay vốn hiện tại. Hệ lụy là toàn bộ số dư nợ vay của các ngân hàng lập tức chuyển thành nợ xấu, bắt buộc phải trích lập dự phòng và sẽ có tác động không nhỏ đến hệ thống ngân hàng.
PVEP phải ngưng trệ, dừng, dẫn đến có thể mất toàn bộ các dự án dầu khí trọng điểm do không đủ nguồn lực để tiếp tục dự án (như các mỏ Đại Hùng lô 05-1a); các dự án trọng điểm như lô B&48/95 và 52/97; mỏ Cá Voi Xanh lô 117-119; mỏ Cá Tầm lô 09-3/12; giai đoạn 2 mỏ Sư Tử Trắng lô 15-1…
Do tính chất các dự án tìm kiếm thăm dò là dự án rất rủi ro (tỷ lệ thành công thấp, trung bình 20%-25%), do vậy PVEP không thể vay vốn cho các dự án tìm kiếm thăm dò, việc sử dụng vốn chủ sở hữu thông qua tăng vốn điều lệ không phù hợp do khi dự án không thành công PVEP sẽ không bảo toàn được vốn.
Trong khi đó, hàng năm, PVEP vẫn phải thực hiện các hoạt động tìm kiếm thăm dò để đảm bảo mục tiêu gia tăng trữ lượng. Trong trường hợp giá dầu thấp, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, sẽ dẫn tới mất cân đối tài chính.
Theo đại diện PVEP, chính vì có sự khác biệt rất lớn giữa lợi nhuận tính thuế theo kế toán và lợi nhuận tính thuế theo hợp đồng dầu khí đã dẫn đến sự khác biệt giữa thuế TNDN PVEP phải nộp như các đơn vị thông thường và thuế TNDN thực hiện theo các hợp đồng dầu khí.
Ảnh hưởng mà PVEP phải gánh chịu tác động trước hết đến công ăn việc làm của hàng nghìn người lao động trong doanh nghiệp và sau đó là đời sống gia đình họ; thêm vào đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh và nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của PVEP năm 2018 và các năm tiếp theo.
PVEP vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo Tổng cục Thuế đình chỉ thực hiện Quyết định số 2199/QĐ-TCT ngày 22/12/2017 và sau đó hủy bỏ quyết định này trong thời gian sớm nhất có thể, cho phép hoàn trả cho PVEP số tiền thu hồi chi phí của PVEP đã nộp về PVN từ năm 2007 đến hết năm 2016 với số tiền 768 triệu USD hoặc điều chỉnh giảm vốn điều lệ của PVEP tương ứng với số tiền này trong trường hợp PVEP không được hoàn trả.
Hồng Quân