Các mỏ dầu khí do PVEP khai thác sau một thời gian đã chuyển sang giai đoạn suy giảm sản lượng. Các mỏ mới phát hiện đều là các mỏ nhỏ, cận biên khó đưa vào phát triển khai thác để có sản lượng thay thế.
Tiềm năng dầu khí ngày càng cạn kiệt ở các khu vực dễ khai thác như vùng nước nông, gần bờ, trong khi việc đầu tư để đưa vào phát triển các phát hiện dầu khí mới, đặc biệt là khu vực nước sâu xa bờ đòi hỏi giá thành cao, rủi ro lớn.
Vững vàng trong “sóng lớn”
Bước vào năm 2018, bên cạnh thách thức về giá dầu, PVEP còn phải đối mặt với khó khăn do cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, dẫn đến nguồn vốn cho khâu tìm kiếm thăm dò (TKTD) – lĩnh vực nhiều rủi ro – chưa đảm bảo.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm đồng lòng của tập thể lãnh đạo, người lao động PVEP, sự chỉ đạo triển khai cụ thể, quyết liệt của PVN, PVEP đã tập trung đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao trong quý I.
Kết quả rất đáng ghi nhận: Tổng sản lượng khai thác dầu khí quý I/2018 của PVEP là 1,10 triệu tấn quy dầu, đạt 105% kế hoạch quý, trong đó khai thác dầu đạt 0,82 triệu tấn, khai thác khí đạt 277 triệu m3.
Tình hình tài chính của PVEP đã có sự cải thiện rõ rệt: tổng doanh thu 3 tháng đầu năm đạt 8.623 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch quý I. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.578 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước 2.218 tỷ đồng, đạt 129% kế hoạch quý.
Nếu tính từ khi thành lập đến nay, PVEP đã khai thác trên 35,7 triệu tấn dầu và condensate, 15,5 tỷ m3 khí bán; gia tăng trữ lượng 230,5 triệu tấn quy dầu (bao gồm cả mua mỏ).
Hết quý I/2018, PVEP đã tập trung chuẩn bị cho công tác thu nổ địa chấn và các giếng khoan thăm dò sắp triển khai, đánh giá/chuẩn bị cho khoan các giếng phát triển. Cùng với đó, tập trung triển khai Dự án Lô 09-3/12 (mỏ Cá Tầm), Lô PM3CAA (mỏ Bunga Pakma) và kiểm soát vận hành hệ thống ổn định các mỏ hiện có nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác, đảm bảo đưa các giếng vào khai thác đúng hạn trong năm 2018 và triển khai công tác phát triển tại các dự án theo kế hoạch đề ra.
Về các hợp đồng dầu khí được triển khai từ đầu năm, ngày 15/3/2018, PVEP và Murphy đã ký Thỏa thuận chuyển nhượng 5% quyền lợi tham gia và quyền điều hành của PVEP cho Murphy tại Hợp đồng Lô 15-1/05 bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển nhượng một phần quyền lợi tham gia của PVEP tại các dự án dầu khí.
Trong công tác quản lý điều hành, PVEP hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại tổng thể PVEP giai đoạn 2017-2020 bao gồm: Cơ cấu lại danh mục dự án đầu tư, cơ cấu lại tài chính, cơ cấu lại mô hình tổ chức, cơ cấu lại tổ chức và cơ cấu lại hoạt động và quản trị.
Đây là công việc trọng tâm của PVEP trong năm nay. Đề án hiện đã trình PVN thông qua và trình lên Chính phủ/Bộ Công Thương xem xét phê duyệt, trên cơ sở đó, PVEP sẽ triển khai, đảm bảo hiệu quả hoạt động và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bên cạnh đó, Tổng công ty tiếp tục hệ thống hóa và hoàn thiện các quy trình, văn bản pháp lý nội bộ phục vụ công tác đánh giá, quản lý, điều hành, hỗ trợ công tác quản lý dự án và giám sát thực hiện đầu tư chặt chẽ và chuyên nghiệp..
Theo định hướng triển khai kế hoạch năm 2018, PVEP luôn ưu tiên việc đảm bảo an toàn mọi hoạt động, duy trì ổn định sản xuất làm tiền đề phát triển. Trong quý I, toàn bộ các đơn vị thuộc PVEP không để xảy ra sự cố, tai nạn nghiêm trọng nào làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động đối phó với hai cơn bão trên biển, đồng thời chủ động cảnh báo an toàn tới các cán bộ, nhân viên tại các dự án trong và ngoài nước…
Cần cơ chế đặc thù
Trước những khó khăn đã nêu, PVEP nhận định việc triển khai kế hoạch năm 2018 cũng như định hướng phát triển đến năm 2020 là khó khả thi do điều kiện giá dầu không cải thiện như dự kiến và các vướng mắc về cơ chế tài chính, bài toán về nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn vốn cho các dự án TKTD; cũng như các khó khăn phát sinh khi triển khai hoạt động một số dự án. PVEP cho rằng cấp thiết nhất hiện nay là cần Chính phủ khẳng định về định hướng chiến lược phát triển đối với lĩnh vực thăm dò khai thác thời gian tới và khẩn cấp có giải pháp dứt điểm về Cơ chế hoạt động cho doanh nghiệp (DN) đặc thù E&P.
Mới đây, ngày 22/12/2017, PVEP nhận được Quyết định 2199/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế về việc “Truy thu ngân sách nhà nước khoản tiền thuế thu nhập DN hoãn lại phát hiện qua kiểm tra”.
Số tiền mà Tổng cục Thuế yêu cầu PVEP nộp theo Quyết định này là 4.807 tỷ đồng. Nếu quá thời hạn mà PVEP không nộp, sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.
PVEP đã có các công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế giải trình và khẳng định: Toàn bộ doanh thu PVEP nhận được từ việc bán dầu khí, PVEP đã thực hiện quyết toán và nộp thuế thu nhập DN theo từng hợp đồng dầu khí đầy đủ theo đúng quy định và không nợ thuế đối với ngân sách nhà nước.
Các Cục thuế địa phương và Tổng cục Thuế đã tiến hành kiểm tra và quyết toán. Về bản chất đây là khoản thu hồi chi phí đầu tư của PVEP, đây chính là một phần vốn điều lệ, các quỹ và tiền vay ngân hàng của PVEP.
Nếu phải nộp theo yêu cầu của Tổng cục Thuế có nghĩa là PVEP nộp vốn điều lệ, quỹ và tiền vay ngân hàng của PVEP cho Nhà nước và như vậy, PVEP sẽ không bảo toàn được vốn.
Điều này dẫn đến hệ quả là PVEP mất khả năng thanh toán và lâm vào tình trạng phá sản do không thể cân đối được dòng tiền để đầu tư và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Ngay tại thời điểm hiện tại, do các kiến nghị về hỗ trợ cơ chế tài chính và nguồn vốn vẫn chưa nhận được giải quyết, PVEP đang phải gồng mình “co kéo” tài chính để hoạt động.
Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất với PVEP hiện nay là Cơ chế nguồn vốn cho hoạt động TKTD. Do tính chất các dự án TKTD là dự án rất rủi ro (tỷ lệ thành công thấp, trung bình 20%-25%) nên PVEP không thể vay vốn cho các dự án TKTD. Việc sử dụng vốn chủ sở hữu thông qua tăng vốn điều lệ cũng không phù hợp bởi khi dự án không thành công, PVEP sẽ không bảo toàn được vốn.
Như vậy, ngoài Quỹ rủi ro TKTD được dùng cho một số ít các dự án thăm dò có tính chất đặc biệt được phê duyệt như hiện nay thì PVEP không có nguồn vốn đặc thù nào khác để đầu tư các dự án thăm dò.
Việc sử dụng vốn điều lệ để đầu tư cho hoạt động TKTD là rất rủi ro khi dự án không thành công vì PVEP phải bảo toàn và phát triển vốn. Trong khi đó, hàng năm PVEP vẫn phải thực hiện các hoạt động TKTD để đảm bảo mục tiêu gia tăng trữ lượng mà Chính phủ giao cho PVN/PVEP.
Ngoài ra, với điều kiện giá dầu thấp như hiện nay, doanh thu không đủ bù đắp các khoản chi phí (bao gồm cả chi phí các dự án thăm dò không thành công) sẽ dẫn tới mất cân đối tài chính của PVEP.
Trên cơ sở đó, PVEP đề xuất Chính phủ cho phép PVEP xử lý nguồn vốn cho hoạt động TKTD, đề nghị Bộ Tài chính sớm phê duyệt, cho phép PVN được trích Quỹ TKTD từ chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm và mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ, đảm bảo nguồn vốn đầy đủ nhưng không vượt quá 20% lợi nhuận trước thuế hàng năm của tập đoàn.
Về xử lý thuế, cụ thể với thuế thu nhập DN, để khắc phục những bất cập trong cơ chế nộp thuế thu nhập DN và hỗ trợ PVEP vượt qua giai đoạn khó khăn do giá dầu giảm, PVEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét cho phép PVEP được khấu trừ các chi phí hợp lý, hợp lệ và tính thuế thu nhập DN như các DN thông thường để tạo điều kiện cho DN phát triển, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và an ninh năng lượng quốc gia.
Về thuế tài nguyên xuất khẩu đối với dầu thô khai thác tận thu tại mỏ Sông Đốc, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế không thực hiện thu thuế PVEP từ hoạt động khai thác tận thu mỏ Sông Đốc theo đúng quy định đã được Chính phủ phê duyệt (do PVEP được yêu cầu vận hành khai thác mỏ hộ Chính phủ, không phải là đối tượng chịu thuế) nhằm tránh lãng phí tài nguyên ở giai đoạn cuối đời mỏ, tối đa hóa lợi ích của Chính phủ tại dự án.
Hồng Quân