Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022 với chủ đề: “Chuyển đổi, Tăng tốc, Bứt phá: Doanh nghiệp Bền vững – Quốc gia Thịnh vượng”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói rằng, sự phát triển của doanh nghiệp cũng chính là sự phồn vinh của quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, địa phương, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hợp tác công tư, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi và nguồn lực cho phát triển bền vững.
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022. |
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững. Những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với môi trường đang chứng tỏ là những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và chống chịu cao, bền vững đối với các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại.
“Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, đối với chiến lược bền vững liên quan đến môi trường, doanh nghiệp ưu tiên tập trung vào 4 lĩnh vực là hành động chống biến đổi khí hậu, giải pháp bao bì bền vững, mua hàng có trách nhiệm và quản lý nguồn nước. Các ưu tiên này nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của tập đoàn trong Lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Hiện nay, để thực hiện mục tiêu này, tại Việt Nam, Nestlé đã thực hiện nông nghiệp tái sinh, theo đó hoạt động sản xuất nông nghiệp hướng đến mục tiêu giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Cải tạo chất lượng đất, giúp tăng khả năng hấp thụ khí CO2 vào đất và tạo ra nhiên liệu sinh khối từ thực vật. Chất lượng đất trồng tốt hơn sẽ tăng khả năng chống chọi với những tác động của biến đổi khí hậu, giúp tăng năng suất và cải thiện thu nhập và sinh kế cho người nông dân. Những tác động tích cực này sẽ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho việc sản xuất thực phẩm một cách bền vững và góp phần đóng góp vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Nestlé”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
“Trong hoạt động sản xuất, doanh nghiệp đã đạt được mục tiêu “Không phát thải chôn lấp” từ năm 2015, nhờ áp dụng các sáng kiến, mô hình kinh tế tuần hoàn. Đến nay, khoảng 94% bao bì của chúng tôi được thiết kế để tái chế; đồng thời có những cải tiến về bao bì giúp giảm 2.000 tấn nhựa/ năm”, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam nói.
Còn tại Vinamilk, chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp này dựa trên 3 trụ cột chính là thiên nhiên, sản phẩm và con người, đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao và thân thiện với môi trường. Điển hình như hệ thống trang trại Vinamilk đã sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ để giảm phác thải…
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và Phát triển của Vinamilk cho biết, hiện nay lợi ích lớn nhất của DN đạt được là hình ảnh với người tiêu dùng, người tiêu dùng ngày càng khó tính, đòi hỏi không chỉ sản phẩm chất lượng cao, giá thành tốt mà còn phải thân thiện với môi trường.
“Những doanh nghiệp có giải pháp kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững sẽ được người tiêu dùng tin yêu, giá trị thương hiệu mạnh, giúp cho việc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.
Theo bà Dorsati Madani Chuyên gia Kinh tế cấp cao Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Để thúc đẩy phát triển thương mại xanh: Việt Nam cần xây dựng nền sản xuất và xuất khẩu bền vững hơn.
Mặc dù Việt Nam đã bắt đầu khử các- bon trong thương mại, Chính phủ có thể hành động trên nhiều mặt trận như: Xây dựng một ngành thương mại thích ứng hơn như để giảm mức độ phơi nhiễm: Lập quy hoạch phát triển công nghiệp với các đánh giá và chiến lược thích ứng với rủi ro về thay đổi môi trường và thiên tai trong dài hạn; Thu thập và chia sẻ thông tin về các rủi ro, tác động và cơ hội của biến đổi khí hậu trong từng ngành… Xây dựng các quy chuẩn và tiêu chuẩn về khả năng thích ứng với những hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu; Phát triển các công cụ chia sẻ rủi ro tài chính (bảo hiểm).
"Chính phủ cũng cần đưa ra giải pháp khử các- bon trong thương mại. Sử dụng các công cụ định giá trong nước Áp dụng thuế carbon ở Việt Nam có thể giúp giảm đáng kể lượng khí thải mà không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của quốc gia. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và xuất khẩu mới nổi nâng cao năng lực để áp dụng tiêu chuẩn và công nghệ quốc tế", đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.
Đức Anh