Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020.
Masan MeatLife dự kiến doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất |
Lợi nhuận giảm mạnh
Theo tài liệu ĐHCĐ, Masan đặt kế hoạch doanh thu từ 75.000 - 85.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019; bình quân mỗi ngày thu về khoảng 230 tỷ đồng.
Trong đó, công ty con Masan Consumer (MCH) dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số.
Masan MeatLife (MML) dự kiến doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng sản phẩm thịt chế biến nhằm tạo ra giá trị gia tăng. Thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
HĐQT cũng đưa ra kế hoạch cho Masan Resources (MSR) sẽ tập trung hoàn thành việc tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Stark (HCS) để trở thành nhà chế biến cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó giảm bớt rủi ro biến động giá theo chu kỳ hàng hóa.
"Trong năm 2020, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục tối đa hóa vị thế thanh khoản nhằm đảm bảo nguồn tiền mặt sẵn có đủ để vượt qua khó khăn nếu đại dịch Covid-19 kéo dài lâu hơn dự kiến, và giữ vị thế sẵn sàng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh chiến lược của tập đoàn, hoặc thông qua M&A.
Điều này có thể khiến dư nợ của chúng tôi vượt quá mức dự kiến trong ngắn hạn, và đòi hỏi phải điều chỉnh lại bảng cân đối kế toán để tối ưu hóa trong 12 – 18 tháng tới", tài liệu ĐHĐCĐ Masan đề cập.
Do đó, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông dự kiến giảm mạnh 46% về chỉ còn 1.000 - 3.000 tỷ đồng. Trong đó, một phần lợi nhuận tạo ra sẽ bù đắp do hợp nhất kết quả kinh doanh chuỗi VinMart, VinMart+.
Như vậy, so với kết quả kinh doanh năm 2019, doanh thu của Masan dự kiến tăng thêm 38.000-48.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm 2.560 - 4.560 tỷ đồng nếu xét về giá trị tuyệt đối.
Chào bán gần 117 triệu cổ phần mới
Kết thúc năm 2019, Masan ghi nhận doanh thu hợp nhất 38.819 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông gần 5.558 tỷ đồng, tăng 13%. Vì vậy, HĐQT dự kiến chia cổ tức năm 2019 bằng tiền, tỷ lệ 10%.
Từ năm 2020 trở đi, HĐQT đề nghị Đại hội ủy quyền cho HĐQT xem xét và lập phương án phân chia cổ tức hàng năm, bao gồm cả tạm ứng cổ tức.
Tại ĐHĐCĐ lần này, Masan cũng sẽ trình phương án chào bán cổ phần mới để tăng vốn.
Theo đó, Masan sẽ lựa chọn không quá 5 nhà đầu tư là các tổ chức trong và ngoài nước để phát hành tối đa 9,99% tổng số cổ phần đang lưu hành. Với 1,17 tỷ đơn vị cổ phiếu đang lưu hành, Masan dự kiến phát hành thêm tối đa 117 triệu cổ phiếu mới.
Phương thức phát hành là chào bán riêng lẻ một lần hoặc nhiều lần trong năm 2020 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên 2021 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính năm hợp nhất đã được kiểm toán gần nhất của doanh nghiệp. Giá phát hành do Chủ tịch HĐQT quyết định.
Cùng với đó, HĐQT trình cổ đông xem xét phương án phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), thực hiện trong năm 2020 hoặc trước tháng 5/2021.
Số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành (tương đương hơn 5,8 triệu cổ phiếu). Mức giá dự kiến là 10.000 đồng/cp.
Hoàng Hà