Mảng kinh doanh thịt của Masan MEATLife ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn chỉ 6,4% do mảng thức ăn gia súc bị ảnh hưởng khi quy mô tổng đàn heo tại Việt Nam giảm |
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 vừa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan – Mã: MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang công bố cho thấy, doanh thu thuần tăng 116% so với quý I năm trước với tổng cộng 17.638 tỷ đồng. Đây là mức tăng mạnh sau hợp nhất VinCommerce – đơn vị sở hữu hai chuỗi Vinmart và Vinmart+.
Đáng chú ý, hai trụ cột của Masan là VinCommerce (VCM - bán lẻ) và Masan Consumer Holdings (MCH- hàng tiêu dùng) đều tăng trưởng hai chữ số, chỉ riêng Masan Resources (khoáng sản) giảm 10% doanh thu do giá khoáng sản tiếp tục ở mức thấp vì tác động của dịch bệnh.
Cụ thể, trong ba tháng đầu năm nay đánh dấu quý đầu tiên chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi lớn nhất cả nước được Masan vận hành sau khi nhận sáp nhập từ Vingroup, nhưng đã đóng góp lớn vào tăng trưởng doanh thu cho Masan ở mức 40% trong quý I/2020.
Theo phân tích của Tập đoàn này, mức tăng trưởng trên nhờ tăng doanh số bán hàng tại các cửa hàng Hà Nội, các thành phố cấp 1, 2 và đóng góp doanh thu của 27 siêu thị VinMart cùng 1.192 điểm VinMart+ mới mở cửa trong năm 2019.
Nếu không tính đóng góp từ chuỗi bán lẻ này, doanh thu thuần quý I của Masan chỉ tăng trưởng gần 23%.
Một nguồn doanh thu chính nữa của Masan là MCH trong quý này đã tăng 22,4% nhờ tăng trưởng gần 60% của ngành hàng thực phẩm tiện lợi và tăng gấp 3 lần của ngành hàng thịt chế biến.
Trong khi đó, mảng kinh doanh thịt của Masan MEATLife (thức ăn gia súc, thịt) tiếp tục mở rộng quy mô và ghi nhận tăng trưởng, song mức tăng có phần khiêm tốn chỉ 6,4%, đạt doanh thu thuần 453 tỷ đồng vào quý I/2020 do mảng thức ăn gia súc bị ảnh hưởng khi quy mô tổng đàn heo tại Việt Nam giảm.
Doanh thu thuần của Masan Resources (MSR) sụt giảm 10,4% do giá khoáng sản tiếp tục ở mức thấp vì tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, MSR kỳ vọng có thể bán đồng tồn kho từ quý II/2020 trở đi để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và tạo ra dòng tiền mặt tốt hơn.
Theo đó, doanh thu thuần của Masan tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và lên cao nhất lịch sử, đạt 17.638 tỷ đồng. Tuy nhiên, Masan lại báo lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Masan báo lỗ, kể từ quý II/2014, đồng thời là quý lỗ nặng nhất của tập đoàn này từ khi niêm yết vào cuối năm 2009.
Nguyên nhân khiến Masan thua lỗ cho dù doanh thu tăng vọt là do công ty hợp nhất kết quả kinh doanh của VCM đạt doanh thu hơn 8.700 tỷ đồng trong quý I/2020, chiếm gần 50% tổng doanh thu Masan. Tuy nhiên, có thể thấy, trong quý I/2020, phần lớn doanh thu tăng thêm của Masan nằm ở mảng bán lẻ với hiệu suất lợi nhuận không cao nên biên lãi gộp của Masan đã giảm từ mức 30,2% xuống 22,5%. Kết quả, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn có mức tăng chậm hơn doanh thu, đạt 3.962 tỷ đồng (tăng 61%).
Ngoài ra, trong kỳ, doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng đi đôi với đó là các chi phí của Masan cũng tăng nhanh. Đơn cử như chi phí lãi vay tăng 49%; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 64%, lên hơn 800 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí bán hàng tăng "đột biến" từ 800 tỷ đồng lên hơn 3.100 tỷ đồng, tương ứng tăng 282%.
Tại thời điểm 31/3/2002, tổng giá trị tài sản của Masan là 105.075 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm. Vay nợ của Masan tăng mạnh lên mức 31% trong 3 tháng đầu năm, từ 30.000 tỷ đồng lên gần 39.300 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn khoảng 22.100 tỷ đồng (tăng 20%), vay dài hạn 17.100 tỷ đồng (tăng 47%). Cùng với đó, tiền và các khoản tương đương tiền tại Masan giảm 25% xuống 5.733 tỷ đồng.
Thanh Hoa