![]() |
Từ vụ Asanzo, Tổng cục Hải quan thừa nhận còn tồn tại những bất cập trong chính sách. (Ảnh Interner) |
Ông Âu Anh Tuấn, quyền cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều doanh nghiệp (DN) có phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.
Chẳng hạn, một số cá nhân thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.
Ngoài ra có phương thức gian lận khác nữa là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba.
Cuối cùng là sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.
Ông Tuấn cũng cho biết qua kiểm tra, giám sát, cơ quan Hải quan "khoanh vùng" 15 nhóm hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ. Đó là nhóm dệt may; da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp; gỗ và các sản phẩm gỗ...
"Bởi các nhóm hàng gia tăng đột biến về kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang thị trường như Mỹ. Do đó, chúng tôi đưa vào nhóm hàng rủi ro cao", ông Tuấn giải thích.
Thông tin thêm, ông Tuấn thừa nhận vẫn còn những bất cập trong chính sách. Theo đó, quy định về nhãn mác trong Nghị định 43 đã có tuy nhiên đối chiếu với quy định về xuất xứ thì lại chỉ áp dụng với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, không áp dụng với hàng hoá sản xuất và lưu thông trong nước.
Hiện các DN sản xuất hàng gia dụng, trong đó thị trường Trung Quốc đang là thị trường cung cấp phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào cho các DN sản xuất tại Việt Nam, không chỉ hàng gia dụng, hàng dệt may mà còn nhiều hàng hoá khác... Qua thống kê của hải quan nhận thấy, nguyên liệu nhập khẩu Trung Quốc chiếm tỉ trọng rất lớn.
Trong môi trường toàn cầu hoá, không thể một nước nào sản xuất ra toàn bộ linh kiện để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mà phải nhập từ nhiều nguồn.
Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên nguy cơ hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... để lẩn tránh mức thuế suất cao.
Ông Tuấn cho biết, để đáp ứng quy tắc xuất xứ theo FTA thì những công đoạn gia công cơ bản hoặc những nguyên tắc chuyển đổi cơ bản phải thực hiện tại nước cuối cùng sản xuất hàng hoá đó. “Bộ Tài chính đang kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi quy định tại nghị định 43, thông tư 05 để đưa ra các quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam lưu thông ở thị trường trong nước để có tiêu chí khi các cơ quan hải quan kiểm tra xác định hàng hoá này có thể gắn mác ‘Made in Vietnam’ hay không”, lãnh đạo Cục Giám sát quản lý nói.
Thanh Hoa