Vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện thế nào là hàng hóa "made in Viet Nam" sau vụ việc Asanzo. Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương thừa nhận vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc xác định xuất xứ, tỷ lệ hàng hóa thế nào thì được gọi là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam.
Thế nào là "made in Vietnam"?
Tại tọa đàm "Thế nào là made in Vietnam" ngày 17/7, dẫn câu chuyện Asanzo, luật sư Trần Ngọc Trung, công ty Luật Baker & Mckenzie, đặt vấn đề: Sản phẩm của Asanzo bị cáo buộc đội lốt hàng Việt Nam, nhập khẩu toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam và chỉ gia công chế biến đơn giản, gắn mác made in Việt Nam. Giả dụ cũng quy trình sản xuất đó, hàm lượng như thế nhưng họ nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản, sau đó lắp ráp tại Việt Nam và gắn là made in Vietnam thì có lừa dối người tiêu dùng?
"Đó là câu hỏi mà tôi nghĩ bản thân cơ quan quản lý nhà nước cũng rất khó tìm câu trả lời đúng 100%. Bởi bản thân việc Asanzo bị dư luận lên án một phần xuất phát từ sự kỳ thị của người Việt vào hàng Trung Quốc nên không chấp nhận các sản phẩm này xuất xứ từ Trung Quốc mà ghi made in Vietnam, trong khi Việt Nam vẫn chưa có quy định thế nào là made in Vietnam", ông Trung nêu quan điểm.
Theo ông Trung, hiện nay tồn tại hai bộ quy tắc xuất xứ: ưu đãi và không ưu đãi. Trong quy định dán nhãn hàng hóa "made in", cơ quan nhà nước cấp quyền cho nhà nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) tự dán nhãn trên cơ sở các quy định pháp luật và các cam kết hiệp ước mà Việt Nam tham gia. Điều đó có nghĩa, trong các xung đột, cam kết quốc tế, DN tự chịu trách nhiệm.
"Tôi cũng không nắm rõ được quy trình lắp ráp của Asanzo về các thiết bị điện tử đến đâu. Tuy nhiên, khả năng DN tự ghi xuất xứ Việt Nam là đúng vẫn có thể xảy ra", ông Trung nói.
Đơn cử như hiện nay, đối chiếu với Hiệp định tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), sản phẩm mà không có nguồn gốc từ Việt Nam không được ghi made in Vietnam. Tuy nhiên, với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, DN có thể được phép.
Ông Trung lý giải: "Nguyên tắc cộng gộp của WTO là hàng sản xuất cuối cùng ở Việt Nam, DN có quyền ghi made in Vietnam dù cho linh kiện nhập từ các nước khác là thành viên WTO".
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (VCCI), hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định thế nào là "made in Vietnam". Tuy nhiên, việc cắt bỏ hoặc xóa bỏ nhãn mác là hành vi gian lận, lừa dối người tiêu dùng.
"Còn gia công lắp ráp thiết bị điện tử tại Việt Nam như thế nào, DN phải bày ra, tháo ra, từng thiết bị họ nhập chỗ nào, cái gì sản xuất ở Việt Nam. Nếu toàn bộ linh kiện nhập khẩu, chỉ gá lắp tuốc vít tại Việt Nam thì không chấp nhận đó là hàng made in Vietnam", bà Hương nhấn mạnh.
Thời gian qua, VCCI đã kiểm tra và phát hiện một số DN Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với vốn nhỏ, chỉ dựng nhà kho, xưởng cho có nhưng lại xuất khẩu rất nhiều. Đồng thời, VCCI phát hiện nguy cơ DN đang hưởng luồng xanh hải quan (chỉ kiểm tra khai báo hóa đơn, không kiểm tra hàng thực tế) lợi dụng đưa hàng thành phẩm hoặc bán thành phẩm vào Việt Nam, rồi gia công đơn giản để xuất đi nước khác.
"DN bây giờ tinh vi lắm. Trước họ tạm nhập tái xuất, cơ quan quản lý phát hiện ngay. Nhưng hiện nay, công ty A nhập về, lại bán cho B, rồi công ty C…, rất khó truy xuất nguồn gốc", bà Hương cho biết.
Chưa có quy định rõ ràng về việc thế nào là hàng "made in Vietnam" |
Xuất xứ phải kèm chất lượng
Theo chuyên gia hội nhập kinh tế quốc tế Bùi Thị Kim Thùy, chúng ta quen nghe "made in USA", "made in Vietnam" hay "made in Japan" nhưng thực tế chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng giá trị đã thiết lập toàn bộ, nếu đúng phải dùng từ "made in the world" (sản xuất trên thế giới).
Bà Thùy khẳng định, với bất kỳ một quy tắc xuất xứ nào, quy tắc đầu tiên, cơ bản là công đoạn chế biến, chế tạo sản phẩm trên quốc gia, lãnh thổ nào thì có thể được gắn là xuất xứ nơi đó. Cho nên nếu Asanzo nhập toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc nhưng chứng minh được công đoạn cuối cùng diễn ra tại nhà máy (chưa nói đơn giản hay không) thì ghi made in Vietnam cũng không sao cả.
Hiện nay, Việt Nam chưa có nghị định, thông tư, hay nói cách khác là Nhà nước đang nợ DN, nợ người tiêu dùng một quy chuẩn thế nào là made in Vietnam. Trường hợp nếu nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc, sau đó về Việt Nam bóc tem đi, dán tem made in Vietnam mới là hành vi lừa dối người tiêu dùng Việt thực sự.
Như vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là Nhà nước cần phải có quy định rõ ràng về thế nào là hàng made in Vietnam.
Mặt khác, bà Thùy cũng cho rằng vấn đề quan tâm nhất của người tiêu dùng hiện nay vẫn là chất lượng hàng hóa. Bởi vì ghi "made in" ở đâu là tự nguyện theo quy định, tùy biến ngay cả trên thế giới có rất nhiều quốc gia chưa thống nhất, bởi "làm chặt có nhiều ngành hàng chết, lỏng cũng có nhiều mặt hàng chết".
Theo luật sư Trần Ngọc Trung, hiện chúng ta mới tập trung vào vấn đề xuất xứ liên quan hàng xuất khẩu, nhập khẩu để xác định xem có thể được hưởng ưu đãi thuế quan không. Còn hàng sản xuất trong nước, xuất xứ ra làm sao thì chưa có quy định rõ ràng. Vì vậy, Việt Nam cần phải có sự cân bằng trong việc xây dựng quy định pháp lý. Tiếp đó, vấn đề quan trọng nhất cần tập trung vẫn là chất lượng sản phẩm.
Ông Trung cho rằng quản lý không chỉ dựa vào xuất xứ mà phải kiểm soát chất lượng, để thương hiệu quốc gia không bị ảnh hưởng. DN sản xuất có quyền sản xuất nhưng người tiêu dùng có quyền mua hoặc không.
"Một DN hoạt động chân chính đương nhiên coi trọng thương hiệu của mình. Ngày nay, sản phẩm "made in" ở đâu cũng chỉ là thông tin tham khảo, còn chất lượng mới là yếu tố cốt lõi để kéo người tiêu dùng cũng như giá trị chính để xây dựng thương hiệu DN", ông Trung nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế, nếu việc dán nhãn made in Việt Nam bị quy định chặt quá sẽ khiến rất nhiều sản phẩm không xác định có đủ điều kiện hay không, nhưng nếu lỏng quá sẽ gây những hậu quả không tốt. Do đó, các chính sách quy định về vấn đề này cần có sự cân bằng, không chỉ tập trung vào nguồn gốc xuất xứ mà đi đôi với đó là chất lượng của sản phẩm cũng phải được đặt cùng cấp độ.
Lê Thúy
Ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch công ty Luật Basico Các quy định về thế nào là hàng made in Vietnam bước đầu có thể chưa được chuẩn chỉ 100% nhưng không thể không hướng dẫn, bởi "chậm một ngày là chết một ngày". Việc xây dựng quy định sản xuất tại Việt Nam không chỉ vì người tiêu dùng trong nước mà còn vì các DN. Nếu chậm thì dẫn tới hậu quả là DN làm kiểu gì cũng sai, người tiêu dùng và cơ quan quản lý thấy cái gì cũng không hợp lý. Luật sư Trần Ngọc Trung - Công ty Luật Baker&McKenzie Cần tránh biến việc gắn nhãn mác trở thành thủ tục hành chính gây phiền hà cho DN. Thay vì quản lý câu chuyện xuất xứ, việc quản lý chất lượng sản phẩm của cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng hơn trong vấn đề này. Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại Nhiều nghiên cứu thị trường tại các nước cho thấy xu hướng người tiêu dùng bị tác động tích cực từ thương hiệu hơn là nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, chất lượng sẽ được đặt cao hơn xuất xứ. Ví dụ, chúng ta mua một đôi giày Nike hay Adidas là mua thương hiệu hơn là xác định sản phẩm được sản xuất tại đâu. |