Ngành công nghiệp có đóng góp quan trọng trong GDP của cả nước |
Tốc độ tăng năng suất lao động trong ngành công nghiệp bình quân hàng năm cao hơn 5,5%; thu hẹp khoảng cách các chỉ số về năng lực cạnh tranh công nghiệp so với các nước ASEAN-4; tỷ trọng đóng góp của nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo và của khu vực tư nhân năm sau cao hơn so với năm trước về số lượng doanh nghiệp, số lao động và doanh thu; tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến chế tạo (MVA) bình quân đạt từ 8 - 10%.
Giai đoạn đến 2025, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP được duy trì ở mức trên 35%, tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo trong xuất khẩu được duy trì ở mức trên 85%; tỷ trọng lao động, doanh nghiệp và đầu tư trong công nghiệp cao hơn so với giai đoạn 2015 - 2020.
Để đạt được mục tiêu đó, điều cần làm là phải nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thực hiện sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu, sử dụng năng lượng thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả.
Nâng cấp các chuỗi giá trị trong ngành dệt may, da giày, hóa chất, điện tử để đưa ngành công nghiệp tham gia mạng lưới toàn cầu, qua đó nâng cao giá trị gia tăng. Tập trung phát triển ngành thép nội địa với công nghệ thân thiện với môi trường, lên kế hoạch dần xóa bỏ các nhà máy gang, luyện thép, cán thép quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu.
Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ôtô để đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội; tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ, làm nền tảng để giảm chi phí, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất công nghiệp.
NY