Đánh giá về quá tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thời gian qua những nút thắt về cơ chế chính sách đã được cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ cho doanh nghiệp, tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá vẫn chưa đạt yêu cầu. Riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng, tức là cổ phần hóa rất chậm.
Sau kiểm toán giá trị doanh nghiệp tăng 2,8 lần
Theo Bộ trưởng, việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí.
Việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong quá trình cổ phần hoá. |
Với kinh nghiệm đã từng làm việc trong ngành kiểm toán, Bộ trưởng Phớc nói rằng, sau khi kiểm toán 45 doanh nghiệp hậu cổ phần, kiểm toán xác định bình quân giá trị doanh nghiệp tăng 2,8 lần so với xác định giá trước cổ phần của doanh nghiệp.
"Khi xác định lại giá trị doanh nghiệp lại cao hơn, điều này được xem là gây thất thoát, lãng phí, nhiều vụ bị xử lý hình sự", ông Phớc nói.
Điển hình, việc chưa xác định chính xác giá trị quyền sử dụng đất bởi còn có nhiều quan điểm. Nếu tiền thuê đất 1 năm thì tính giá trị doanh nghiệp, còn nhiều năm lại không xác định vào giá trị doanh nghiệp, nên gây khó khăn cho công tác xác định giá trước khi cổ phần hoá.
Chưa kể, việc nộp tiền thuê đất một lần thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác… Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, dẫn tới thất thoát.
Chính vì khó khăn về xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định kết quả thu từ cổ phần hoá, thoái vốn năm 2021 rất thấp, chỉ chiếm 7,8% kế hoạch đề ra.
"Kế hoạch thu từ cổ phần, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước năm 2021 là hơn 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm 2021 chỉ đạt 2.000 tỷ đồng", Bộ trưởng Tài chính thông tin.
Cung cấp thêm thông tin tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, được tổ chức ngày 17/5, ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, chỉ 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).
Năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, có quan điểm đề nghị bỏ việc xác định giá đất để thúc đẩy quá trình cổ phần hoá, thoái vốn đi nhanh hơn, thực chất hơn.
Đề xuất tách quyền sử dụng đất khi tính giá trị doanh nghiệp
Trong bối cảnh đó, người đứng đầu ngành Tài chính đặt vấn đề về việc đưa ra phương pháp giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất một cách chính xác, có nên đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hay không?
Ông Nguyễn Xuân Sáng, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, quá trình triển khai cổ phần hoá tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều chính sách, chế độ về cổ phần hóa, thoái vốn được thay đổi, ban hành mới dẫn đến việc các doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp hoặc đã được phê duyệt giá khởi điểm chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư phải thực hiện rà soát, xây dựng lại phương án theo quy định mới.
Ngoài ra, còn có nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách, nhất là trong định giá doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất; công tác chuẩn bị của doanh nghiệp chưa tốt…
Do đó, đại diện ngành tài chính Hà Nội đề xuất cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện phương pháp và hướng dẫn cụ thể hơn trong xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp nhà nước quản lý sử dụng nhiều cơ sở nhà đất, tình hình tài chính phức tạp, phương án cơ cấu lại không thành công.
Bên cạnh đó, việc đưa giá trị đất ra khỏi phương án tính giá trị cổ phần hóa không chỉ bảo đảm sự công bằng, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và thất thoát tài sản công, mà còn giúp đơn giản hóa và đẩy nhanh hơn quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Đồng tình với đề xuất loại đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, ông Nguyễn Hồng Long, Phó chủ nhiệm Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng, cả đất thuê hằng năm hay một lần đều nên được tách ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Để thực hiện như vậy, cần có văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện đồng bộ.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói rằng, đưa đất vào gây khó cho doanh nghiệp, bởi giá thị trường nay thế này mai thế khác và thay đổi liên tục. Doanh nghiệp làm rất lo bị sai do chính sách không rõ chứ không phải doanh nghiệp muốn làm sai.
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cũng như các đơn vị khác, lo sợ nhất là đánh giá giá trị doanh nghiệp để thoái vốn, sợ nhất "ông" đất. Làm gì có thị trường khi bán cả khuôn viên nhưng cứ xác định giá mà người dân đang giao dịch. Việc "đánh" giá đất thật cao thì không có người mua, nếu không đưa cao thì sợ", ông Nam nói.
Thanh Hoa