Ts. Lê Duy Bình |
Thưa ông, mặc dù câu chuyện CPH DNNN đã có những chuyển biến, nhưng rõ ràng số lượng DN CPH giai đoạn 2017 - 2020 chưa đạt 50% so với chỉ đạo của Thủ tướng là quá chậm. Vậy, đâu là nguyên nhân làm chậm tiến trình này?
Trước tiên tôi muốn nói, chúng ta phải xác định được động lực cải cách DNNN rất lớn từ việc Chính phủ đưa ra các nghị quyết, chỉ thị, đề án cải cách… Trong năm qua đã đưa ra chỉ tiêu rất lớn, nhưng động lực từ các cơ quan chuyên trách như thế nào thì vẫn là một câu hỏi.
Cá nhân tôi nghĩ, có thể DNNN quá quen với lợi ích mà họ đang được hưởng, dẫn đến động lực đó ảnh hưởng đến ý chí có muốn chuyển đổi thành CTCP hay không. Bởi khi chuyển đổi sẽ đồng nghĩa với việc chịu sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn của thị trường, chấp nhận cuộc chơi khắt khe của thị trường và phải tuân thủ những quy định vốn không chỉ dành cho DNNN, mà áp dụng phổ quát cho các DN, cạnh tranh bình đẳng hơn với DN tư nhân, DN FDI, khả năng tiếp cận nguồn lực của Nhà nước.
Hơn nữa, việc quyết định dự án đầu tư cho một CTCP theo một quy trình khác, không theo quy trình của DNNN. Một đôi chỗ có lợi ích mà DNNN nếu họ CPH sẽ bị ảnh hưởng nhiều…
Do vậy, điều này chưa tạo ra một động cơ thật sự, trừ 1 số ngành nghề phải chuyển đổi. Trong nội dung này, tôi nghĩ có 1 động cơ thực sự thấy cần phải thay đổi, đó là cần có con người mới hoàn toàn.
Bên cạnh đó là về cách làm. Quy định về CPH còn vướng mắc, từ định giá, về đất, tài sản trên đất, trang thiết bị, tải sản Nhà nước… Những vấn đề trên sẽ định giá thế nào vì điều này có thể chứa đựng rủi ro đối với người làm công tác CPH, có thể chứa đựng lợi ích của người trong doanh nghiệp CPH. Như vậy, nếu gỡ được các vấn đề này sẽ giải quyết được tiến trình CPH DNNN.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, do Việt Nam có đặc thù kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nên đã ảnh hưởng đến tiến trình CPH. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nhiều DN đã được CPH nhưng nhà nước vẫn kiểm soát được hoạt động thông qua vai trò cổ đông lớn (Ảnh: TL) |
Trong các văn bản chiến lược thời gian vừa qua, Nhà nước đã có giải pháp sử dụng DNNN theo hướng không nhất thiết phải nắm 100% vốn kiểm soát. Có nhiều DN cổ phần, chỉ cần nhà nước chiếm trên 49% vốn, như ngân hàng chỉ cần 30% vốn, với vai trò cổ đông lớn, họ có quyền quyết định rất lớn cho vấn đề quản trị, chiến lược hoạt động.
Tuy nhiên, muốn kiểm soát được thì DN đó phải mạnh. Muốn mạnh phải có sự tham gia của khu vực khác, nâng cao quản trị, có nguồn lực cho sự phát triển của DN sẽ tốt hơn.
Chẳng hạn như với Tổng công ty Licogi-CTCP, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam-CTCP (ACV), mặc dù CPH nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát được hoạt động thông qua vai trò cổ đông lớn, trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các cổ đông thiểu số, Nhà nước sẽ nâng cao được trình độ quản trị về mặt DN, phù hợp hơn với kinh tế thị trường, vẫn giữ được vai trò định hướng XHCN, vẫn giữ được tính chất đặc thù của Nhà nước ta.
Nhìn lại, DN Vinamilk, nhà nước chỉ cần nắm 30% vốn trong một Vinamilk mạnh thì có thể lựa chọn rõ ràng hơn rất nhiều. Vinamilk hiện nay mang lại lợi ích cho triệu người nông dân, mang lại lợi ích cho hàng chục ngàn công nhân, đóng góp cho ngân sách rất lớn, mà Nhà nước vẫn có tiếng nói trong DN.
Như vậy, nhà nước không nhất thiết phải nắm 100% vốn và không thể trông đợi vào việc này để kiểm soát DNNN.
Theo ông, giải pháp nào để có thể đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN?
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế giai đoạn 2016 - 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước CPH DNNN. Tuy nhiên, chỉ có 36/168 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục 128 doanh nghiệp CPH theo công văn số 991 và Quyết định 26 (đạt 28% kế hoạch); số doanh nghiệp còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. |
Như trên tôi đã nói, việc CPH DNNN chậm là động lực của doanh nghiệp, cũng như quyết tâm của người đứng đầu cơ quan chủ quản. Do đó, muốn quá trình CPH DNNN đi được đúng tiến trình và quỹ đạo thì phải gắn trách nhiệm của từng cá nhân, đó là người đứng đầu doanh nghiệp và cơ quan chủ quản. Bởi vì việc CPH đã nằm trong kế hoạch, trong ý chí quyết tâm của Chính phủ, chỉ còn là vấn đề triển khai quá chậm.
Liên quan đến vấn đề định giá tài sản, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất, thuộc về phần kỹ thuật, bởi định giá tài sản, trong đó có giá trị đất của nhiều doanh nghiệp hiện đang rất vướng. Vì vậy, định giá tài sản, giá trị còn lại của DNNN như thế nào đòi hỏi sự minh bạch trong quá trình CPH. Điều này cần có một cơ quan thẩm định độc giá độc lập tham gia vào CPH để tăng tính minh bạch hơn, hạn chế thấp nhất lợi ích nhóm.
Phạm Minh (thực hiện)