Mới có 6 doanh nghiệp báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hoá trong năm nay. |
Bộ Tài chính cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp. Như vậy số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.
Lượng lớn dồn vào cuối năm
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 7/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã duyệt cổ phần hóa, hiện chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt khoảng 28% kế hoạch đề ra.
Đồng nghĩa, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.
Đáng chú ý, so với công bố hồi tháng 4, sau ba tháng, danh sách doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa tới hết năm 2020 mới giảm đi... 1 đơn vị.
Tình hình thoái vốn cũng không khá hơn là mấy, theo báo cáo của các đơn vị trong 7 tháng, có 10 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 260 tỷ đồng, thu về 678 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2020, các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỷ đồng, thu về 1.110 tỷ đồng.
Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 7/2020, thoái 25.630 tỷ đồng, thu về 172.861 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 102 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 4.964 tỷ đồng, thu về 9.643 tỷ đồng.
Với diễn tiến thực tế này, Cục Tài chính doanh nghiệp, (Bộ Tài chính) nhận định, việc triển khai thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2020 chỉ còn có 5 tháng là hết sức khó khăn.
Riêng đối với cổ phần hoá, việc thực hiện cổ phần hóa toàn bộ 91 doanh nghiệp theo kế hoạch “dồn cục” vào hơn hai quý còn lại càng khó khả thi. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh vừa quay trở lại Việt Nam dự báo sẽ còn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư còn thận trọng chưa thể tạo đà tích cực trong ngắn hạn cho hoạt động bán thoái vốn. Như vậy, kế hoạch của năm 2020 đang dần trở nên "bất khả thi".
Rút gọn thủ tục để đẩy nhanh tiến độ
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), dù chịu tác động từ dịch Covid-19, song dòng vốn gián tiếp đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua vẫn gia tăng. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn. Song trên thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp nằm trong danh sách bắt buộc phải thực hiện cổ phần hoá trong năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất các hồ sơ, thủ tục, dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hoá.
Trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến chậm cổ phần hoá do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.
“Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp thực hiện chậm cổ phần hoá, chuyển giao về tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), niêm yết trên sàn chứng khoán. Phải chăng do những quy định của chúng ta đối với thị trường chứng khoán chưa thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo sự sôi động, bởi đây như hàn thử biểu đánh giá sự sôi động của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh việc sửa đổi các nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Thanh Hoa