Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng vừa công bố báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC (Chỉ số APCI 2018).
Đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà DN và tổ chức phải chi trả thực hiện TTHC theo quy định hiện hành đối với 8 nhóm thủ tục hành chính quan trọng: thuế; khởi sự DN/đăng ký kinh doanh; hải quan; đất đai; giấy phép; chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh; đầu tư; môi trường; xây dựng.
Chi phí xây dựng "đắt đỏ" nhất
Kết quả điều tra dựa trên chia sẻ thông tin của hơn 3.000 DN đã thực hiện một trong 8 nhóm TTHC tại 63 tỉnh, thành phố trong 6 tháng cuối năm 2017.
"Quán quân" của bảng xếp hạng Chỉ số APCI 2018 là nhóm TTHC thuế, với chi phí tuân thủ là 73,75 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện trung bình của DN cho một thủ tục trong nhóm thủ tục này là 2,9 giờ làm việc.
Đứng thứ hai là nhóm TTHC khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh với chi phí tuân thủ là 720,7 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện được ghi nhận là 10,4 giờ làm việc của DN.
Đứng vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng lần lượt là nhóm TTHC hải quan; đất đai; giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh. Từ hạng thứ 6 – 8 là nhóm TTHC đầu tư, môi trường và xây dựng.
Như vậy, đứng sau cùng trong bảng xếp hạng APCI 2018 là nhóm thủ tục xây dựng với chi phí tuân thủ là 64,1 triệu đồng và thời gian thực hiện là 108,9 giờ. Chi phí tuân thủ cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên "đắt đỏ" bậc nhất.
Cùng với đó, ông Ngô Hải Phan, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, cho biết Báo cáo APCI 2018 chỉ ra, trong 5 bước tính toán thực hiện TTHC, bước chuẩn bị hồ sơ và chi phí cho nộp hồ sơ chiếm đến 55%.
"Có thể thấy công tác chuẩn bị hồ sơ của DN đang rất vất vả, điều này cũng cho thấy dư địa cải cách còn rất lớn", ông Hải nhấn mạnh.
Báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Chẳng hạn, về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc. Mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung xấp xỉ mức trung bình trên cả nước.
Khi xét đến từng địa phương cụ thể, tỉnh có mức chi phí tuân thủ lớn nhất vượt mức trung bình cả nước 4 lần và gấp địa phương có mức chi phí nhỏ nhất tới 20,5 lần.
Chi phí tuân thủ TTHC nhóm xây dựng "đắt đỏ" nhất |
Cần từ hai phía
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên công bố Chỉ số APCI, do đó có thể còn những điều chưa thể "tròn trịa". Tuy nhiên, việc này sẽ giúp cho công tác đánh giá minh bạch, rõ ràng và công tâm hơn.
"Theo phản ánh của các hiệp hội, DN, các chi phí tuân thủ TTHC còn rất cao. DN, người dân khi làm TTHC còn mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần với nhiều loại chi phí", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, cho rằng muốn cắt giảm chi phí giúp DN, phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin và cần đánh giá, nhìn nhận từ hai chiều, cả phía các cơ quan công quyền và cả phía người dân, DN.
Nếu làm tốt ở các bộ, ngành trên Trung ương mà người dân, DN không hiểu thì chi phí không chính thức vẫn tồn tại vì ai cũng muốn công trình, dự án của mình nhanh chóng được tiếp cận, giải quyết.
Đặc biệt, ông Thân cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người và đạo đức công chức của cán bộ. "Con người, đạo đức, tư duy mà không thay đổi thì trời cũng không cứu được chứ đừng nói tới công nghệ thông tin. Con người và công nghệ phải tương tác với nhanh, nếu làm được sẽ rất tốt", ông Thân nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, công ty Luật Basico, bổ sung thêm, phong trào hô hào cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian qua phát triển rầm rộ nhưng chuyển động trên thực tế rất từ từ. Tốc độ cải cách chỉ đạt một nửa hy vọng nhưng luôn có tư tưởng cải cách đã tốt. "Chúng ta phải tạo ra sức ép, chế tài, thúc ép các bộ ngành gỡ bỏ các rào cản trên", ông Đức nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm vấn đề kéo giảm chi phí cho DN.
"Nếu chúng ta không đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách, vì cán bộ thực thi thủ tục không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình. Công khai, minh bạch thì chi phí lót tay sẽ giảm rất nhiều", Bộ trưởng nhận xét.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tinh thần "chấp nhận va chạm" trong quá trình cải cách vì lợi ích chung cả đất nước, bởi có rào cản mới cần cải cách, cải cách mà không có người phản đối là cải cách tồi.
Đặc biệt, những đánh giá tích cực của cộng đồng DN trong việc triển khai phương thức Chính phủ điện tử thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ hành chính công cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với giải pháp Chính phủ điện tử nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ DN của Nhà nước, tăng tính minh bạch và giảm tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy cơ quan nhà nước.
Lê Thúy
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT Các cơ quan quản lý không nên chỉ nhìn vào các con số mà còn phải nắm được các chỉ số đánh giá về chi phí và thời gian trên được thiết kế thế nào. Tại sao địa phương này làm tốt mà địa phương khác làm chưa tốt, do con người hay do điều kiện vật chất, do lãnh đạo không quan tâm. Từ đó mới tìm ra được cách thức để kéo giảm chi phí thời gian và tiền bạc cho DN. Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việc cải cách không chỉ riêng cơ quan nhà nước mà có sự tham gia của cả DN và người dân. Cho nên, kỳ vọng đầu tiên là tạo ra một bộ chỉ số đánh giá để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ hướng tới sự hài lòng của người dân và DN, chủ động xây dựng thể chế điều hành đất nước trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Doanh nghiệp vui mừng vì 50% đăng ký kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được xem xét cắt giảm, nhưng nhìn lại thì thấy nhiều khi không thực chất. Các bộ, ngành chưa làm "đều tay", cán bộ, chuyên viên còn "lạnh". Trung bình mỗi năm các cơ quan nhà nước ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Mỗi văn bản đó lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. |