Từ 1/1/2016 việc đấu thầu qua mạng đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Con số tiết kiệm qua đấu thầu qua mạng hơn 9%, cao hơn con số tiết kiệm chung của đấu thầu truyền thống.
Chưa “mặn mà” dù tiết kiệm chi phí
Theo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (Bộ KH&ĐT), tới nay số lượng bên mời thầu và nhà thầu tích cực sử dụng hệ thống đã tăng đáng kể.
Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018 đã có gần 9.000 gói thầu được áp dụng đấu thầu qua mạng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến đến hết năm 2018 sẽ có khoảng 15.000 gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, cũng cho biết thực tế qua 3 năm triển khai đấu thầu qua mạng, một điều đáng buồn là theo lộ trình quy định trong 119 bộ, ngành và địa phương thực hiện công tác đấu thầu còn tới 41 cơ quan chưa thực hiện gói thầu nào đấu thầu qua mạng. Một số cơ quan cho biết do gặp khó khăn này, khó khăn kia nên không thể thực hiện.
Cùng với đó, hiện trung bình mới chỉ có 2,67 nhà thầu tham gia trên 1 gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng. Điều này cho thấy có nhiều nhà thầu chưa biết để tham gia, hoặc biết nhưng chưa tự tin để tham gia.
Ông Tuấn cho rằng sở dĩ đấu thầu qua mạng hiện vẫn chưa phổ biến là vì vướng phải những khó khăn về hạ tầng, con người thực hiện do vẫn quen với cách thức mà cũ, nên không quyết tâm hoặc ngại thực hiện đấu thầu qua mạng.
“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là hệ thống kỹ thuật và năng lực cán bộ quản lý. Về kỹ thuật, Việt Nam ứng dụng hệ thống đấu thầu qua mạng từ năm 2009 theo thiết kế của Hàn Quốc. Hiện hệ thống này chỉ hoạt động trên nền tảng Internet Explorer, mà không sử dụng được các trình duyệt mã nguồn mở của Firefox, Chrome, IOS hay Android... Điều này đã gây ra nhiều khó khăn”.
Đặc biệt, khó khăn hơn cả là năng lực cán bộ, triển khai 2.000 đợt đào tạo cho cán bộ nhưng năng lực thực thi vẫn hạn chế.
Trước những khó khăn trên, ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng, kiến nghị đẩy mạnh phát triển áp dụng đấu thầu qua mạng cần mở rộng đối tượng gói thầu/dự án áp dụng đấu thầu qua mạng, như đấu giá đất, đấu thầu các gói tư vấn... để tránh bớt những hiện tượng “mafia” như trong đấu thầu truyền thống.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng mong muốn mở rộng áp dụng đấu thầu qua mạng với đấu thầu quốc tế đối với các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh tham gia, như đấu thầu xuất khẩu gạo, hay đấu thầu sản phẩm may mặc.
Có tới 41 cơ quan chưa thực hiện đấu thầu qua mạng |
Thách thức mục tiêu
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng để tạo thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin về các gói thầu trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu phương án để thông tin với các nhà thầu về nhóm các gói thầu mà họ quan tâm, thay vì họ phải truy cập để tìm đơn lẻ từng gói thầu được đăng tải trên hệ thống.
Đánh giá hệ thống đấu thầu qua mạng hiện còn hạn chế về năng lực, tính cạnh tranh, ông Adu Gyamfi Abunyewa - chuyên gia cao cấp về đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, các bên liên quan nên hợp tác với Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT để đưa môi trường đấu thầu của Việt Nam thực sự minh bạch hơn.
“Khó có một quốc gia đặc thù, quy định riêng về mua sắm. Vì vậy, không thể bê nguyên một hệ thống đấu thầu qua mạng hoàn hảo của một quốc gia nào đó để áp dụng cho mình. Vấn đề là cách thức để chúng ta vận dụng làm sao cho hiệu quả và phù hợp”, ông Abunyewa cho biết.
Theo Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến năm 2025, 100% các thông tin đấu thầu phải đăng tải công khai trên hệ thống; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên phải đấu thầu qua mạng và tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu phải thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, trong thời gian tiếp theo, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, đào tạo nâng cao năng lực, tuyên truyền phổ biến đến các đối tượng tham gia, tăng cường đầu tư để hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật hệ thống đấu thầu.
“Lộ trình đấu thầu qua mạng phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của các bên, nỗ lực của bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của các chủ đầu tư/bên mời thầu trong cả nước”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định.
Thy Lê