Bắt tay vào khởi nghiệp, doanh nhân Đoàn Anh Tuân, Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới – thương hiệu trà Cozy, chỉ nghĩ đơn giản là mình hoàn toàn có thể sản xuất trà cho người Việt, nhất là khi Việt Nam có vùng nguyên liệu chè rộng lớn, hương vị thơm ngon bậc nhất thế giới.
CHỌN CÁCH ĐỐI ĐẦU VỚI “ÔNG LỚN”
Chọn cách khởi sự bằng công việc thu mua chè từ các nhà máy, rồi sơ chế, đóng gói xuất khẩu ra nước ngoài, 5 năm sau, doanh nghiệp của ông Tuân trở thành một trong những công ty hàng đầu về xuất khẩu chè của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi nhìn vào thị trường trong nước, ông Tuân nhận thấy người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng sử dụng các sản phẩm tiện dụng như trà túi lọc, thương hiệu nước ngoài xuất hiện liên tục và thống lĩnh thị trường, trong đó nổi lên hai thương hiệu đa quốc gia là Lipton và Dilmah.
“Trong khi doanh nghiệp Việt tìm mọi cách để bán sản phẩm chè thô ra nước ngoài, thị trường trong nước lại bỏ ngỏ cho doanh nghiệp nước ngoài vào khai thác. Một số doanh nghiệp này lại chính là người mua nguyên liệu mà chúng tôi vừa xuất đi”, ông Tuân chia sẻ.
Từ những trăn trở trên, ông Tuân quyết định xây dựng thương hiệu trà mới để thâm nhập thị trường trong nước, chọn cách đối đầu trực tiếp với những “người khổng lồ” – tập đoàn xuyên quốc gia.
![]() |
Ông Đoàn Anh Tuân |
“Mình đi sau thì phải làm khác. Lợi thế của tôi là am hiểu ngành chè, hiểu khẩu vị của người tiêu dùng Việt Nam, sở hữu vùng nguyên liệu lớn. Vì vậy, không có lý do gì không thành công, vấn đề chỉ là thời gian và cách làm”, ông Tuân chia sẻ. Đó cũng là niềm tin để Trà Cozy vượt qua khó khăn và lớn mạnh.
Nếu như nhiều thương hiệu Việt lúc bấy giờ định vị sản phẩm bằng một cái tên tiếng Việt, vị doanh nhân này lại quyết chọn tên tiếng Anh – trà Cozy. “Tên Cozy ngắn gọn nên người dùng Việt dễ đọc, dễ nhớ và quốc tế hóa được. Hơn nữa, từ Cozy có nghĩa là sự ấm áp, thoải mái, dễ chịu nên khá phù hợp với sản phẩm chè”, ông Tuân cho biết.
Để cạnh tranh với các tập đoàn xuyên quốc gia, chiến lược ngay từ đầu của vị CEO này là “mạnh tay” đầu tư dây chuyền sản xuất trà túi lọc, máy móc hiện đại, đắt tiền bậc nhất châu Âu. Nguyên liệu sử dụng sản xuất trà được lựa chọn kỹ càng, từ canh tác, trồng trọt tới chăm bón sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nghiêm ngặt.
“Giá nguyên liệu thu mua cao hơn 5 lần so với việc xuất chè thô, nhưng giá thành sản phẩm bán ra của chúng tôi vẫn phải rẻ hơn đối thủ. Sản phẩm tốt nhưng giá phải rẻ thì người tiêu dùng mới ưa chuộng”, ông Tuân nói.
Bí quyết gì để sản phẩm rẻ mà chất lượng tốt? CEO này cho biết công ty nước ngoài không có vùng nguyên liệu nên phải nhập khẩu (tốn chi phí vận chuyển, thuế…), chi phí nhân công ở nước họ chắc chắn cao hơn Việt Nam. Trong khi đó, trà Cozy có ưu thế này nên giá phải rẻ hơn mới có thể cạnh tranh.
Đặc biệt, muốn cạnh tranh, sản phẩm phải khác biệt. Ví dụ, để ướp được sản phẩm chè hương nhài thơm ngon, chè phải được thu hái vào buổi sáng, khi búp chè còn đang “uống sương”. Đó cũng là lúc búp chè có hương thơm dịu, vị ngọt sâu và có màu xanh đặc trưng. Với hoa nhài cũng vậy, thời điểm hái hoa cũng được tính toán kỹ để bảo đảm đúng thời điểm hoa dậy hương nhất để ướp với chè.
Cùng với đó, Cozy đã đầu tư bao bì độc đáo, tạo dựng hương vị, hệ thống phân phối sản phẩm riêng biệt.
Khác lớn nhất của trà Cozy là bao bì đóng gói cầu kỳ. “Nhận thấy với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, sản phẩm dễ bị hỏng, nên mỗi túi trà của chúng tôi được đóng trong bao bì bằng thiếc, vì vậy không khí ẩm không tác động tới sản phẩm”, ông Tuân chia sẻ.
![]() |
Các sản phẩm trà Cozy |
SẢN XUẤT TRÀ CHO NGƯỜI VIỆT
Biết tiềm lực ngân sách hạn chế không thể đẩy mạnh quảng cáo, Trà Cozy lựa chọn đưa sản phẩm tiếp cận các quán trà sữa, bên cạnh kiên trì tiếp cận hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Ông Tuân chia sẻ, trà Cozy có hương vị đậm, rất phù hợp để pha trà sữa, cốc sẽ đầy đặn và đậm đà hơn. Nhìn thấy kinh doanh trà sữa nở rộ, doanh nghiệp tiếp cận và nhanh chóng tới chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ này. Hiện nay, hầu hết cửa hàng trà sữa đều mua trà Cozy làm nguyên liệu pha chế.
Đến thời điểm này, ông Tuân cho biết qua số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường, tổng sản lượng bán hàng của Trà Cozy có thời điểm tương đương, thậm chí vượt các thương hiệu ngoại. Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng thêm sản xuất trà uống liền đóng chai, đóng hộp, quay trở lại tấn công phân phối ở các quán café.
Trước câu hỏi: trà đóng chai đã xuất hiện nhiều thương hiệu nổi tiếng, liệu Cozy có đủ sức cạnh tranh? Vị CEO một lần nữa cho biết: “Tôi không ngại, các công ty sản xuất những loại trà này đều là công ty nước giải khát, còn chúng tôi là công ty trà. Tôi tin với kiến thức hiểu biết sâu về trà của mình, thông qua hệ thống nguồn nguyên liệu sẵn có, chúng tôi sẽ đưa ra thị trường sản phẩm trà chuẩn nhất về hương vị”.
Từ những trải nghiệm, con đường đã đi, doanh nhân Đoàn Anh Tuân chia sẻ “cuộc chơi” trên thị trường luôn là miếng bánh chung cho tất cả mọi người, quan trọng là cách làm của mỗi người. doanh nghiệp Việt có thể làm được nhiều điều nhưng chính họ phải vượt qua tâm lý mình kém cỏi, có lòng tự hào về dân tộc để xây dựng thương hiệu Việt.
“Đâu đó chúng ta cần học người Nhật, những gì tốt nhất đều được họ dành cho tiêu dùng trong nước, dành cho thị trường trong nước. Chứ không phải cái tốt mang đi xuất khẩu, cái xấu, cái dở để lại cho người Việt dùng. Thị trường Việt Nam rất lớn, thay vì tìm cách xuất hàng ra nước ngoài, cạnh tranh ở thị trường xa lạ, doanh nghiệp nên làm tốt ngay ở thị trường trong nước”, ông Tuân nói.
Bằng chứng là với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành chè, Cozy đã dành được sự tin tưởng của khách hàng và trở thành thương hiệu trà Việt hàng đầu tại Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên khá mạnh dạn trong việc đầu tư thương hiệu riêng, Cozy đã đầu tư nhiều vùng nguyên liệu chè sạch và hợp tác cùng nông dân ở các vùng chè truyền thống, xây dựng chuỗi giá trị ngành chè.
Quá trình chăm sóc chè từ khi trồng đến thu hái, sơ chế đều được doanh nghiệp đồng hành, hướng dẫn người nông dân cặn kẽ để đảm bảo có được những nguyên liệu tốt nhất.
Đến nay, nhà máy trà Cozy đặt tại Phú Thọ là nơi sản xuất ra sản phẩm chè có quy mô nhà xưởng và máy móc hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.
Nhật Linh
ÔNG TỪNG HỌC CHUYÊN NGÀNH CHẾ TẠO ÔTÔ, VẬY CƠ DUYÊN NÀO ĐƯA ÔNG ĐẾN VỚI NGÀNH CHÈ? SAU KHI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC TẠI NGA TRỞ VỀ NƯỚC, TÔI THẤY NGÀNH CHẾ TẠO ÔTÔ KHÔNG PHÙ HỢP VỚI MÌNH VÀ QUYẾT ĐỊNH TÌM MỘT LĨNH VỰC KINH DOANH RIÊNG. TÔI CHỌN NGÀNH CHÈ VÌ TÔI THẤY, ĐÂY LÀ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP MÀ ĐẤT NƯỚC TA CÓ THẾ MẠNH. ĐÓ CŨNG LÀ LÝ DO TÔI QUYẾT ĐỊNH KHỞI NGHIỆP VỚI NGHỀ NÀY. CHÈ VIỆT CÓ Ý NGHĨA NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI CUỘC SỐNG CỦA ÔNG? TÔI ĐẾN VỚI CHÈ NHỜ CHỮ DUYÊN. NHỜ KINH DOANH CHÈ TÔI CÓ CƠ HỘI ĐI ĐẾN RẤT NHIỀU VÙNG MIỀN CỦA ĐẤT NƯỚC VỚI PHONG CẢNH VÔ CÙNG ĐẸP. CÓ LẼ CHÍNH NHỜ CHÈ, MỘT SẢN PHẨM RẤT NHÂN VĂN MÀ TÔI ĐÃ CÓ ĐƯỢC CẢM GIÁC BÌNH AN TRƯỚC BAO BIẾN CỐ TRONG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG. KINH DOANH CHÈ ĐÃ CHO TÔI CẢM GIÁC MÌNH LÀ NGƯỜI CÓ ÍCH CHO XÃ HỘI KHI ĐƯA SẢN PHẨM CỦA NHIỀU NGƯỜI DÂN VIỆT NAM RA THẾ GIỚI, GIÁN TIẾP GIÚP HỌ CÓ CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN. |