Tại Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” tổ chức tại Hà Nội ngày 31/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hà Minh Hải nhận định diễn đàn là một hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới có nhiều biến động, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, tạo việc làm và góp phần phát triển đất nước.
Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng tới Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2024). |
Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng đội ngũ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù đối mặt nhiều thách thức, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng tạo việc làm và phát triển kinh tế-xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, khẳng định mối quan hệ tương hỗ giữa báo chí và doanh nghiệp, giúp các cơ quan nhà nước lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý.
TS. Nguyễn Đức Kiên chia sẻ kinh nghiệm cho thấy báo chí có vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách. "Hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và thực thi. Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể “chết yểu” ngay từ khi còn trong trứng, thậm chí khai tử ngay trước giờ ban hành dù đã qua quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng", ông Kiên nói.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Sơn,Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ rằng việc tham gia các tọa đàm của báo chí giúp doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích từ các chính sách mới, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu thế mạnh của Hapro như gạo, hạt điều, cà phê…; đa dạng hóa nguồn hàng trong hệ thống bán lẻ và phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, tăng khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Th.s Lê Dung, Tổng Giám đốc DGroup đề xuất, cần tăng cường tính tương tác và phản hồi: Báo chí nên tạo điều kiện để doanh nghiệp và độc giả tương tác trực tiếp, đưa ra phản hồi và góp ý. Điều này không chỉ giúp báo chí hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp mà còn cải thiện chất lượng thông tin. Báo chí cần xây dựng các kênh tương tác đa chiều, cho phép độc giả và doanh nghiệp tham gia vào quá trình tạo dựng nội dung và đóng góp ý kiến.
TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hanoisme, nhấn mạnh mối quan hệ đồng hành giữa doanh nghiệp và báo chí, cho rằng báo chí là cầu nối lan tỏa những gương điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh và là người bạn đồng hành, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Thanh Hoa