Cụ thể, qua khảo sát của Visa Việt Nam về triển vọng kinh tế cho thấy, 90% doanh nghiệp tin tưởng vào sự phát triển của mình trong tương lai và coi dịch Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, tiếp cận cơ hội mới. 74% doanh nghiệp cho biết hình thức thanh toán số là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng năm 2022. 59% doanh nghiệp cho rằng 2 năm tới sẽ tập trung vào chuyển đổi số ở cả kinh doanh và thanh toán. Trong đó, 58% doanh nghiệp tự tin cho rằng doanh số sẽ tăng thông qua hình thức bán hàng xuyên biên giới.
Theo Visa Việt Nam, từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, 37% người tiêu dùng lần đầu tiên sử dụng thanh toán số, 38% dùng thẻ để thanh toán, 44% lần đầu sử dụng ví điện tử để thanh toán, 33% người tiêu dùng cho biết sau đại dịch họ sẽ không dùng tiền mặt nữa.
Chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiêp nữ nói riêng. |
Điều này cho thấy, đại dịch là chất xúc tác để phát triển các hình thức thanh toán online. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp thay đổi để phát triển, bắt kịp xu thế của thị trường toàn cầu.
“Công nghệ phát triển cũng là đi từ hành vi của người tiêu dùng. Thời gian thực sự thu hút được sự chú ý của con người về một sản phẩm nào đó chỉ trong 12 giây đầu. Chính vì vậy làm sao để thu hút được người tiêu dùng trong 12 giây này thì các doanh nghiệp phải chớp lấy cơ hội trong chuyển đổi số để thay đổi hành vi tiêu dùng, tiếp cận khách hàng”, bà Đặng Tuyết Dung cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là chuyển đổi số với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng có những khó khăn nhất định. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, cho biết phụ nữ vốn ít chấp nhận mạo hiểm nên ngại thay đổi. Nhất là khi chuyển đổi số cần nguồn lực lớn trong khi các doanh nghiệp hiện nay đang yếu về vấn đề này. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ cũng đang là rào cản với doanh nghiệp, trong khi nhiều phần mềm hiện nay là do nước ngoài cung cấp.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Công nghệ Tài Chính, cho biết 98% doanh nghiệp hiện nay là vừa và nhỏ nên quy mô nhỏ, nguồn nhân lực thiếu. Việc triển khai chuyển đổi số ban đầu sẽ rất khó khăn vì hoạt động này cần nguồn tiền nhất định.
Tuy nhiên, 98% doanh nghiệp là vừa và nhỏ cũng chính là tệp khách hàng lớn cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển đổi số nên sẽ kéo giảm chi phí xuống. Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang thực hiện Chính phủ số và đưa những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp quyết tâm và biết nắm bắt cơ hội thì sẽ tiếp cận với những chính sách sát nhất, chất lượng nhất nhưng chi phí cũng phù hợp nhất.
Dẫn chứng về việc cần thiết phải chuyển đổi số, ông Hùng cho biết các doanh nghiệp taxi truyền thống nếu không thay đổi thì khi có sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe trực tuyến sẽ bóp nghẹt các hãng xe taxi truyền thống. Hiện các doanh nghiệp truyền thống cũng đã đưa ra các app để tiếp cận người tiêu dùng. Điều này cho thấy sự đổi mới, tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đồng thời giúp khách hàng có những trải nghiệm mới.
Để có thể gia tăng khả năng chống chịu và giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ nâng cao năng lực phục hồi sau đại dịch, hơn lúc nào hết, các nữ doanh nhân cần ưu tiên nâng cao kiến thức quản lý tài chính doanh nghiệp, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo để tìm kiếm cơ hội trong khó khăn.
Khảo sát 2021 của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, cho thấy tuy gặp nhiều khó khăn và mới chỉ có 18,4% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sử dụng công nghệ trong kinh doanh và quản lý tồn kho nhưng ở chiều ngược lại, 99% doanh nhân nữ mong muốn được chuyển đổi số trong thời gian tới.
Điều này cho thấy, nhận thức về vai trò của chuyển đổi đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ đã rõ ràng. Để chuyển đổi số thành công, các chuyên gia cho rằng những người đứng đầu doanh nghiệp cần trang bị thêm kiến thức về quản lý tài chính, cách gọi vốn; giải pháp số về kế toán, vận chuyển, bán hàng, nhân sự… để vận dụng vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần trang bị thêm các kiến thức về thương mại điện tử để sử dụng nền tảng thương mại trực tuyến phù hợp với doanh nghiệp mình.
“Những người đứng đầu doanh nghiệp cần xác định vấn đề vướng của doanh nghiệp mình trong chuyển đổi số hoặc quan sát đối thủ đang làm tốt điều gì và có thể học hỏi, áp dụng nhằm từng bước chuyển đổi số thành công”, ông Nguyễn Đăng Hùng chia sẻ.
Đ.Như