Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định 1058/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ngày 15/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Muốn xử lý nợ xấu thì phải có ngân hàng đẹp. Các ngân hàng phải tuân thủ và thượng tôn pháp luật, đảm bảo các tỷ lệ an toàn, tăng cường bồi dưỡng, phát huy văn hóa doanh nghiệp (DN), đạo đức DN, chia sẻ khó khăn với DN”.
Đau đầu vì thuế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết lũy kế từ 15/8/2017 - 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tính trung bình mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với giai đoạn 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, ngân hàng này có hơn 140.000 tỷ đồng nợ cần phải xử lý. Hai năm qua thu hồi được 110.000 tỷ đồng, trong đó thu hồi của khách hàng khoảng 60.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết trước khi có Nghị quyết 42, mỗi năm Vietcombank chỉ thu được 1.500 - 2.000 tỷ nợ xấu, nợ ngoại bảng. Tuy nhiên, 2 năm qua có chuyển biến tích cực, quy mô thu nợ lớn hơn rất nhiều. Chẳng hạn năm 2018 thu nợ xấu ngoại bảng đạt 3.200 tỷ đồng, năm nay dự kiến cao hơn đáng kể.
Theo chia sẻ của ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng giám đốc công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Nghị quyết 42 có hiệu lực tác động lớn đến tốc độ xử lý nợ xấu. Trong vòng 2 năm nợ xấu xử lý được chiếm 56% tổng số nợ luỹ kế từ khi VAMC thành lập.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến quá trình xử lý nợ xấu bị chậm lại. Theo ông Vượng, quá trình xử lý tài sản đảm bảo đã phát sinh nợ thuế. Có những khoản nợ xấu kéo dài, ngân hàng buộc phải bán dưới giá gốc, nhưng khi đã xử lý thành công lại vướng thuế.
Điển hình, dự án xi măng Thanh Liêm được trả chậm 20 năm, nhưng khi đấu giá thành công, cơ quan thuế yêu cầu phải nộp ngay 40 tỷ đồng. “Dù chúng tôi có nhiều văn bản miễn, giảm, kéo giãn thuế nhưng không được, bắt buộc ngân hàng phải chịu trách nhiệm 40 tỷ đồng đó”, ông Liêm cho biết.
Tranh chấp và nợ thuế khiến quá trình xử lý nợ xấu bị chậm lại |
Dựng tranh chấp để... né
Theo ông Nam, Nghị quyết 42 đã có quy định cụ thể nghĩa vụ nộp thuế, trong đó có thứ tự ưu tiên thanh toán, khi các TCTD hoặc VAMC xử lý tài sản đảm bảo sẽ được ưu tiên sử dụng số tiền thu hồi từ việc xử lý tài sản đó, để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế.
Hiện nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, khi làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng tài sản còn nhiều vướng mắc với cục thuế địa phương. Chẳng hạn, một số địa phương yêu cầu người trúng đấu giá hoặc TCTD, VAMC phải thực hiện thay nghĩa vụ thuế đó cho khách hàng. “Điều này đã ảnh hưởng lớn quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng”, ông Nam khẳng định.
Một vấn đề khác cũng khiến việc xử lý nợ xấu gặp khó khăn là đột nhiên xuất hiện các vụ tranh chấp khi ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo.
Ông Vượng dẫn chứng một trường hợp cụ thể của Agribank là một khách hàng vay tại chi nhánh Tp.HCM, thế chấp dự án tại Bình Dương. Khoản nợ phát sinh đầu năm 2000, sau 10 năm, khách hàng không xử lý được đã phối hợp với ngân hàng. Sau 13 lần đấu giá đều có sự đồng ý của khách hàng mới bán được nợ xấu. Tuy nhiên, sau đó, khách hàng lấy lý do đấu giá không đúng quy định để kiện ngân hàng, khiến việc thi hành án bị đình lại.
“Mặc dù Bộ Tư pháp có thanh tra và nói đúng quy trình đấu giá, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, nhưng hiện tại TAND vẫn thụ lý và không cho chuyển nhượng. Vì vậy, giao dịch không thể thực hiện được, gây thiệt hại cho ngân hàng”, ông Vượng cho hay.
Ngoài ra, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết việc áp dụng thủ tục rút gọn tại toà hiện nay vẫn chưa thực hiện được.
Hiện, Agribank có hơn 100.000 tỷ đồng nợ xấu từ 1 triệu khách hàng, cần xử lý theo Nghị quyết 42, trong đó có gần 7.000 vụ tranh chấp phát sinh qua toà án dân sự. Hai năm qua mới thực hiện hơn 10 vụ, tuy nhiên, quá trình thụ lý chưa có vụ nào được áp dụng thủ tục rút gọn tại toà, có 1 vụ hoà giải, còn lại được toà hướng dẫn sang áp dụng thủ tục thông thường.
“Nguyên nhân được cho rằng là quá trình thụ lý có thể phát sinh tình tiết mới và cách hiểu của các toà án địa phương khác nhau”, ông Vượng nói.
Đồng tình, ông Dũng cũng cho rằng quá trình xử lý nợ xấu ở mỗi địa phương và mỗi khoản nợ xấu khác nhau khiến cho việc xử lý nợ xấu trắc trở. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vietcombank, sự cẩn trọng trong quá trình xử lý nợ xấu là cần thiết.
“Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống cần thời gian để thực hiện nhuần nhuyễn, chẳng hạn như quy định thủ tục rút gọn trong việc xử lý tài sản đảm bảo trong khi ra toà, nhưng đến nay việc thực hiện còn chậm do đây là yêu cầu mới của Quốc hội nên cần có thời gian, chứ không phải do sự thực hiện không đồng đều ở các địa phương”, ông Dũng khẳng định.
Thanh Hoa