Kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực thì tiến độ và hiệu quả đã được nâng cao. Các dự án đầu tư dở dang có thể được phép chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới.
Đây là một trong những thay đổi quan trọng của Nghị quyết 42, trao quyền nhiều hơn cho chủ nợ là các tổ chức tín dụng và VAMC đã giúp xử lý được hơn 100.000 tỷ đồng nợ xấu, chỉ sau 1 năm. Đặc biệt, ý thức trả nợ của khách hàng cũng tốt hơn.
Ảnh Internet |
Tuy nhiên, để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xử lý nợ xấu, mới đây Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Trong đó quy định về việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt.
Theo dự thảo, khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó là, các khoản nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, bao gồm các khoản nợ xấu cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán và các khoản nợ xấu khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
Khoản mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường của các công ty đại chúng chưa niêm yết (trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết) do tổ chức tín dụng bán nợ mua đã quá hạn thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi từ 90 ngày trở lên; hoặc chưa quá hạn hoặc quá hạn dưới 90 ngày nhưng doanh nghiệp phát hành trái phiếu có nợ xấu tại tổ chức tín dụng đó;
Khoản ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, ủy thác cấp tín dụng mà tổ chức tín dụng bán nợ chịu rủi ro đã quá hạn thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi từ 90 ngày trở lên; hoặc chưa quá hạn hoặc quá hạn dưới 90 ngày nhưng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, bên nhận ủy thác, đối tượng thụ hưởng của ủy thác có nợ xấu tại tổ chức tín dụng đó.
Đối với các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm phải đáp ứng điều kiện: tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, trong đó tối thiểu phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng;
Khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ.
Cũng theo dự thảo Thông tư, tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so với tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản. Trường hợp tổ chức tín dụng không bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá, kiểm toán độc lập, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng ở mức an toàn và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau khi lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến Thông tư sẽ được ban hành vào quý II năm 2019, đảm bảo mục tiêu nợ xấu toàn ngành đến năm 2020 dưới 3%.
Hoàng Hà