Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về những vướng mắc, bất cập của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thực tiễn thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến khi hết dịch. Theo đó, căn cứ phản ánh của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD), VNBA đã có đề nghị NHNN xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng, cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, về thời hạn được thực hiện cơ cấu nợ, theo VNBA, thời hạn cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 03 chỉ còn hơn 4 tháng nữa sẽ hết hiệu lực.
Tuy nhiên, hiện nay, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân. Nhiều doanh nghiệp phản ánh đang rất khó khăn do không có nguồn thu, không trả được nợ ngân hàng, không được cơ cấu các khoản vay theo Thông tư 01 và Thông tư 03, ảnh hưởng đến việc phân loại nhóm nợ. Các ngân hàng không thể cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay khách hàng vì vướng quy định tại Thông tư 01 và Thông tư 03, nợ xấu có xu hướng tăng cao.
Lo nợ xấu tăng mạnh, các ngân hàng đề xuất kéo dài thời gian cơ cấu nợ. |
Vì vậy, VNBA đề xuất NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 03, cho phép áp dụng cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, thay vì đến 31/12/2021 như hiện nay.
Về quy định cơ cấu đối với khoản nợ quá hạn, theo quy định tại Thông tư 03 cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày. Nhưng đối với khách hàng tại tỉnh/thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thuộc khu vực phong tỏa/cách ly gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm điều kiện tại quy định này, khi đề xuất xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Do đó, VNBA đề nghị NHNN xem xét mở rộng đối với các khoản nợ quá hạn đến 30 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
Về thời gian được gia hạn của các khoản nợ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Quy định này đã gây khó khăn cho cả khách hàng và TCTD vì hiện nay, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phải dừng sản xuất... Do đó, nhiều khách hàng sẽ không thể đáp ứng được áp lực trả nợ nếu như số dư nợ được cơ cấu phải phân bổ trong 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ do chưa thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, VNBA đề nghị NHNN xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hoặc có thể giữ nguyên theo Thông tư 01: “Không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo Hợp đồng tín dụng đã ký”...
Hoãn thời gian trả nợ cho khách hàng bị phong tỏa. Về hỗ trợ đối với khách hàng có hoạt động ở vùng giãn cách xã hội trong giai đoạn dịch bệnh lần thứ 4 (khách hàng bị phong tỏa), VNBA kiến nghị cho phép khách hàng có khoản nợ đến hạn trong thời gian phong tỏa (gốc và/hoặc lãi) tạm hoãn việc trả nợ, dời thời gian trả nợ của các khoản đến hạn tới sau thời gian đáo hạn.
Nếu khách hàng có khoản nợ đáo hạn trong thời gian phong tỏa, thời gian đáo hạn sẽ được dời tới sau thời gian phong tỏa; Không thu các khoản phí, lãi phạt trong thời gian hoãn trả nợ.
Đối với việc thẩm định và thông báo về lịch trả nợ mới, không áp dụng việc thẩm định về tình hình khách hàng để thực hiện hoãn trả nợ. Các TCTD được chủ động cơ cấu đối với các khách hàng bị phong tỏa, không cần đề nghị khách hàng cung cấp hồ sơ/tài liệu chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việc hoãn trả nợ được thực hiện tự động bởi ngân hàng. Thông báo về lịch trả nợ mới sẽ được gửi đến khách hàng đầy đủ qua các kênh thông báo hiện tại như tin nhắn, email… Nếu khách hàng không muốn hoãn trả nợ, khách hàng có thể thực hiện việc trả nợ như lịch thông thường (không phát sinh thêm các phí trả nợ trước hạn).
Theo đề xuất của VNBA, việc phân loại nợ đối với các khoản hoãn trả nợ không ghi nhận những khoản hoãn trả nợ này là cơ cấu nợ. Không thay đổi phân loại nợ của khách hàng sau khi thực hiện hoãn trả nợ.
Kéo dài thời gian trích lập dự phòng trong 5 năm. Theo Thông tư 03, tổ chức tín dụng phải trích lập tối thiểu 30% dự phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu trong năm nay và trích lập tỷ lệ tương ứng trong 2 năm tiếp theo (trích lập toàn bộ dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong 3 năm).
Theo các tổ chức tín dụng, thời gian qua, dịch Covid-19 không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà cả ngân hàng cũng bị tác động nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh hàng loạt tỉnh, thành phải giãn cách xã hội. Do đó, các tổ chức tín dụng đề nghị NHNN xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính, có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.
Các tổ chức tín dụng cũng đề nghị NHNN phải thống nhất lại một số quy định về hướng dẫn trích lập dự phòng cụ thể để tất cả các TCTD đều thống nhất cách hiểu và thực hiện như nhau.
Ngoài ra, với số lượng khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể tăng thêm do diễn biến dịch còn kéo dài, việc theo dõi toàn bộ các nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ gây tốn nguồn lực, dễ nhầm lẫn, sai sót trong tính toán. Vì vậy, các tổ chức tín dụng đề nghị NHNN nghiên cứu áp dụng công thức tính đơn giản, dễ vận dụng hoặc có hướng dẫn chi tiết để hạn chế sai sót cho các TCTD trong công tác trích lập dự phòng.
Thanh Hoa