Tại phiên họp Quốc hội ngày 22/7, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4 là 1,78%).
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tác động đến khả trả nợ của khách hàng, nguy cơ nợ xấu tăng mạnh trong thời gian tới. (Ảnh: Int). |
Nợ xấu chưa “xấu”?
Điều lo lắng của ông Thanh không phải không có cơ sở khi thống kê tại 14 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, tính đến cuối quý II/2021, số lượng ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm gần gấp đôi so với số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng lên.
Cụ thể, Kienlongbank là nhà băng có số dư nợ xấu giảm mạnh nhất 73% từ 1.883 tỷ đồng cuối năm 2020 về 510 tỷ đồng, trong đó nợ xấu nhóm 3 giảm 14,5%, nợ nhóm 5 giảm mạnh nhất với mức giảm lên tới 75,5%. Điều này là kết quả của việc xử lý các khoản nợ xấu được đảm bảo bởi cổ phiếu STB của Sacombank. Nhờ đó tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng từ mức trên 5% (cuối năm 2020) xuống còn 1,43% vào cuối quý II/2021.
Tại một số ngân hàng như MB tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh từ 1,09% về 0,76%; nợ xấu của OCB cũng giảm từ 1,69% xuống còn 1,53%; Tỷ lệ nợ xấu của VIB giảm về mức 1,3%; Tỷ lệ nợ xấu của SeaBank và Saigonbank giảm lần lượt từ 1,86% xuống còn 1,76% và 1,44% xuống 1,43% cuối quý II/2021.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng như: BacABank tăng từ mức 0,79% lên 0,82%; ABBank tăng từ 2,09% lên 2,32%; PGBank tăng từ 2,44% lên 2,67%...
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố tập trung các khu công nghiệp lớn đang thực hiện giãn cách xã hội, việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Trong bối cảnh đó, đến cuối năm 2021, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/02/2021”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.
Được biết, tại tờ trình dự báo đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD ước tính ở mức 1,54 - 1,91% và 3,43 - 3,84%.
Nếu tính thêm các khoản nợ không chuyển nợ xấu do được cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 01, đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD sẽ ở mức gần 5%.
Thống kê tại 14 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến cuối tháng 6/2021. |
Cần luật xử lý nợ xấu
Ở góc nhìn của người trong cuộc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng thừa nhận, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới ngành ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai.
“Nền kinh tế và doanh nghiệp bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ không có tiền để trả nợ vay ngân hàng, trong khi ngân hàng phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021 trong giai đoạn 3 năm. Như vậy, chắc chắn nợ xấu của ngân hàng sẽ phát sinh và gia tăng trong thời gian tới", ông Hùng nói.
Theo báo cáo đánh giá kết quả xử lý nợ xấu theo nghị quyết số 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội, NHNN đánh giá, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách vay suy giảm.
Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.
Đến thời điểm ngày 31/5 vừa qua, toàn hệ thống vẫn còn khoảng 425.400 tỷ đồng nợ xấu, chiếm hơn 42% tổng dư nợ xác định theo nghị quyết số 42.
"Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng. Qua đó, ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế", NHNN nhận định.
Trong khi đó, thời gian thực hiện xử lý nợ xấu chỉ còn khoảng 1 năm nữa khi hạn cuối áp dụng là đến giữa tháng 8/2022. Như vậy, tổ chức tín dụng sẽ thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu.
Do vậy NHNN đề xuất tiếp tục kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42 và nâng lên thành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Huyền Anh