Báo cáo tài chính cho thấy, trong quý I/2023, CASA ở các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh. Điển hình, tại Techcombank, tỷ lệ CASA giảm từ 37% xuống 32%; MB giảm từ 40,6% xuống 35,5%; Vietcombank giảm từ 33,9% xuống 30,4%; MSB giảm từ 31,1% xuống còn 22,6%. ACB có tỷ lệ CASA cao thứ 5 hệ thống cũng ghi nhận tỷ lệ này giảm từ 22,3% hồi đầu năm xuống còn 20,16% vào cuối tháng 3; tỷ lệ CASA của VietinBank điều chỉnh từ 20% xuống 18%...
Với lãi suất khoảng 0,2% áp dụng cho tiền gửi thanh toán hay tiền gửi không kỳ hạn, nhiều người có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để lấy lãi cao. Tính chung 28 ngân hàng niêm yết hiện chỉ nắm giữ hơn 1,5 triệu tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, giảm gần 11% so với đầu năm.
Tỷ lệ CASA đang có xu hướng giảm, gây áp lực không nhỏ lên các ngân hàng. |
Đáng chú ý, trong quý I/2023, chỉ có duy nhất 1 ngân hàng ghi nhận số liệu tăng trưởng dương về CASA là Kienlongbank với mức tăng 12,37% so với đầu năm, đưa số dư tiền gửi không kỳ hạn lên hơn 2.300 tỷ đồng.
Lãnh đạo một ngân hàng cho hay, do bối cảnh kinh tế khó khăn, cơ hội đầu tư ít đi, trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ cuối năm 2022 đến đầu quý I/2023 lại tăng cao khiến khách hàng có xu hướng chuyển tiền từ tài khoản vãng lai vào tiền gửi có kỳ hạn để hưởng các mức lãi suất cao này.
Việc CASA giảm mạnh và lãi suất huy động tăng cao trong nửa cuối năm 2022 đã gây áp lực đáng kể tới kết quả kinh doanh quý I/2023 của các ngân hàng. Do đó, nhiều ngân hàng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để thu hút nguồn vốn rẻ này trở lại.
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán SSI, tỷ lệ CASA giảm được dự báo sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) dự báo, tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 và sẽ được cải thiện hơn khi lãi suất huy động dần hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, từ nay đến cuối năm, nâng tỷ lệ CASA sẽ là một bài toán khó. Một phần do mức độ cạnh tranh giữa các nhà băng đang ngày càng tăng lên, một phần do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… cũng đang dần sôi động trở lại. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và nhiều người dân vẫn có thói quen “ăn chắc mặc bền” và để một khoản tiền nhất định trong tài khoản thanh toán sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Mặt khác, tỷ trọng CASA hiện nay của toàn hệ thống vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng. Chính vì vậy, cuộc đua thu hút CASA tiếp tục sôi động, ngân hàng nào càng mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng thì sẽ càng chiếm được ưu thế. Nhất là ngân hàng nào chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ có lợi thế lớn trong cuộc đua này.
Thanh Hoa