![]() |
Agribank đã và đang tích cực triển khai các sáng kiến tài chính xanh, góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. |
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đến môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc tìm kiếm những giải pháp tài chính để hỗ trợ phát triển bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Trái phiếu xanh được đặt ra với mục tiêu huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng và áp dụng rộng rãi. Trong đó, nông nghiệp bền vững đã trở thành một trong những lĩnh vực trọng điểm để ứng dụng trái phiếu xanh. Điều này không chỉ giải quyết các vấn đề môi trường mà còn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
![]() |
Với vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “Tam nông”, có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực xanh như: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" của Chính phủ; Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng; Điện gió; Đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên…
Trong năm 2024, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh với hơn 42.000 khách hàng và tổng dư nợ đạt gần 29.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước mang lại sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
![]() |
Phó Tổng Giám đốc Agribank Đoàn Ngọc Lưu cho biết Agribank đang tham gia vào Chương trình 1 triệu hecta lúa, tiên phong triển khai các sáng kiến tài chính xanh. |
Phát biểu tại Hội thảo “Trái phiếu xanh và Tài chính nông nghiệp bền vững hướng tới các mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1 triệu hecta lúa” do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI) tổ chức dành riêng cho Agribank ngày 25/3/2025, Phó Tổng Giám đốc Agribank Đoàn Ngọc Lưu cho rằng: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng và ngày càng gia tăng đối với nền nông nghiệp Việt Nam thì việc huy động các nguồn tài chính xanh đóng vai trò then chốt. Trong đó, trái phiếu xanh được xem là công cụ tài chính đột phá, cho phép tiếp cận vốn dài hạn từ thị trường trong và ngoài nước.”
Với vai trò là ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, Agribank đang tích cực tham gia vào chiến lược này, tiên phong triển khai các sáng kiến tài chính xanh để hỗ trợ người nông dân và góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Ngay sau khi Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được phê duyệt, Agribank đã ký Bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cam kết cung cấp các sản phẩm tài chính toàn diện cho 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Đề án. Agribank cũng hỗ trợ vốn vay ngắn, trung, dài hạn cho mọi khâu trong chuỗi liên kết lúa gạo – sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ – với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với mức thông thường, áp dụng cho cả cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.
“Hiện nay, chương trình đang được thí điểm tại 7 hợp tác xã ở 5 tỉnh thành: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp. Theo kết quả tiếp cận và khảo sát trực tiếp 699 khách hàng cho thấy, tổng nhu cầu vốn cho Đề án 1 triệu hecta lúa của các khách hàng được khảo sát là khoảng 587 tỷ đồng” - Phó Tổng Giám đốc Đoàn Ngọc Lưu thông tin.
![]() |
Tính đến 31/12/2024, Agribank đã huy động được 2,03 triệu tỷ đồng. |
![]() |
Tại Diễn đàn khu vực “Trái phiếu xanh huy động tài chính cho nông nghiệp bền vững và an ninh năng lượng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” sáng 26/3, ông Beau Damen – Chuyên gia về Tài nguyên thiên nhiên, văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của FAO cho biết, trái phiếu xanh là một công cụ tài chính quan trọng giúp huy động vốn cho các dự án bền vững và bảo vệ môi trường. Trong ngành nông nghiệp, trái phiếu xanh trở thành một phương tiện tiềm năng để hỗ trợ các sáng kiến nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn tài chính này có rất ít. Nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là các nông hộ nhỏ, những người chủ yếu sản xuất cung cấp cho thị trường cá nhân, những đối tượng dễ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong sản xuất. Vì vậy, chúng ta cần có nguồn tài chính công để có thể khuyến khích nông dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, cũng như bảo vệ những nông hộ dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Chính vì vây, FAO đã xây dựng một sáng kiến về trái phiếu an ninh lương thực có bảo lãnh của nhà nước.
![]() |
Ông Beau Damen – Chuyên gia về Tài nguyên thiên nhiên, văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của FAO phát biểu tại Hội thảo. |
“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã hỗ trợ các quốc gia trong khu vực, tìm kiếm đến nguồn tài chính để ứng dụng phát triển bền vững như Đề án 1 triệu hecta lúa của Chính phủ Việt Nam. Tôi hy vọng Diễn đàn hôm nay sẽ giúp cho các bạn có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia, doanh nghiệp để làm thế nào huy động được nguồn tài chính xanh góp phần hỗ trợ cho những nông hộ nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp để có thể chuyển đổi thành công mô hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo an ninh lương thực” - ông Beau Damen cho biết.
Chia sẻ về những xu hướng, chiến lược và các nghiên cứu điển hình của thị trường trái phiếu xanh, ông Nguyễn Tùng Anh, chuyên gia tài chính bền vững của Fiin Ratings cho biết, hiện nay các nhà phát hành trái phiếu chủ yếu là các doanh nghiệp tài chính hoặc các đơn vị có Chính phủ hậu thuẫn, các doanh nghiệp phi tài chính. Ở Việt Nam, trái phiếu xanh nằm trong khuôn khổ chung của thị trường tín dụng xanh. Dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam chiếm khoản 4,34% tổng dư nợ tín dụng toàn thị trường và tốc độ tăng trưởng từ 4-5%/năm. Chỉ tính riêng năm 2024, số lượng trái phiếu xanh được Việt Nam phát hành ra thị trường là 6.875 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2023.
![]() |
Ông Nguyễn Tùng Anh, chuyên gia Tài chính bền vững của Fiin Ratings phát biểu. |
Việt Nam hiện nay cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát hành trái phiếu xanh. Thứ nhất là sự quan tâm của của các nhà đầu tư đang ngày càng tăng. Thứ hai, Việt Nam đã có sổ tay về trái phiếu xanh bền vững do Ủy ban chứng Nhà nước ban hành. Bên cạnh đó, việc phát triển trái phiếu xanh cũng là cơ hội để kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân và 22 nghìn hợp tác xã nông nghiệp tạo cơ hội tốt để huy động nguồn tài chính bền vững lớn. Song song với đó là phát triển cây trồng bền vững, đảm bảo tăng trưởng từ 20-30% thu nhập cho nông dân” - ông Nguyễn Tùng Anh nhận định.
Nhận định về cơ hội của Agribank để trái phiếu xanh hỗ trợ triển khai các mục tiêu nông nghiệp quốc gia trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phó trưởng Ban ALCO cho rằng: Thời gian qua, Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình nông nghiệp xanh, thông minh, có giá trị cao, hướng đến xuất khẩu bền vững và giảm tác động môi trường. Để đạt được mục tiêu này, cần huy động mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, đặc biệt là từ tài chính xanh như trái phiếu xanh, quỹ khí hậu, và đẩy mạnh ứng dụng AI, blockchain, IoT trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, việc Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến việc xây dựng các định hướng, cơ chế, chính sách phát triển thị trường trái phiếu xanh theo hướng tạo thuận lợi cho các chủ thể huy động vốn trái phiếu xanh để thực hiện các dự án xanh cũng đang là một lợi thế lớn cho các nhà đầu tư.
![]() |
Ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phó trưởng Ban ALCO phát biểu. |
Với vai trò là Agribank là ngân hàng chủ lực trong tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững.
Để đa dạng nguồn vốn và duy trì nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, Agribank đã tăng tỷ trọng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu. Từ năm 2015 đến nay, Agribank đều đặn triển khai phát hành trái phiếu ra công chúng và riêng lẻ. Các đợt phát hành đều hoàn thành 100% khối lượng chào bán (10.000 tỷ mỗi năm từ 2022 – 2024), đồng thời mở rộng đối tượng đầu tư từ khách hàng cá nhân đến các tổ chức kinh tế lớn, thu hút sự quan tâm đáng kể trên thị trường.
“Agribank cũng có nhiều lợi thế trong việc phát hành trái phiếu khi là một tổ chức phát hành có năng lực tài chính mạnh, có uy tín cao với mạng lưới rộng khắp, có đủ khả năng cạnh tranh thông qua các công cụ tài chính.
Trong năm 2025, dự kiến Agribank sẽ phát hàng tổng 30.000-35.000 tỷ đồng trái phiếu, trong đó tài trợ cho mục đích tín dụng xanh, phát triển bền vững 5.000-10.000 tỷ đồng” - ông Nguyễn Tuấn Hưng thông tin.
![]() |
Ông Sanjoy Ghosh, Trưởng Ban Hành động và Phát triển bền vững về Khí hậu, Ngân hàng Quốc gia Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ấn Độ (NABARD). |
Chia sẻ về các kinh nghiệm, bài học và cơ hội sử dụng nguồn trái phiếu xanh để tài trợ cho nền nông nghiệp bền vững, chống chịu với biến đổi khí hậu, ông Sanjoy Ghosh, Trưởng Ban Hành động và Phát triển bền vững về Khí hậu, Ngân hàng Quốc gia Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ấn Độ (NABARD) cho biết, là một ngân hàng lớn của Ấn Độ, NABARD cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát hành trái phiếu xanh.
Năm 2023, NABARD đã huy động 3,8 tỷ USD từ loại trái phía xã hội xanh bền vững GSS. Các khoản tiền thu được được đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải và một số được đầu tư vào nông hộ để phát triển nông nghiệp xanh. Khó khăn của NABARD cũng giống như nhiều ngân hàng khác khi đầu tư vào thị ngành nông nghiệp xanh thì chủ yếu các đối tượng vay vốn là nông hộ nhỏ.
“Chúng tôi cũng đang thiếu thị trường thứ cấp, các kỳ hạn cho vay phổ biến chủ yếu từ 18 tháng – 24 tháng. Bên cạnh đó, việc xác định các sản phẩm thực sự xanh, đảm bảo tiêu chuẩn cũng gặp khó khăn, nhãn dán nào tài sản nào là xanh, thực tế áp dụng vẫn chưa hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi mong muốn hợp tác với CBI xây dựng những dự án xanh để có thể phát hành được hiệu quả, lợi nhuận tốt hơn” - ông Sanjoy Ghosh nói.
Tại Diễn đàn đại diện lãnh đạo các đơn vị Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp, Thái Lan (BAAC); Vụ Tài chính Hồi giáo, Bộ Tài chính Indonesia; Vụ Chính sách Tài Chính, Bộ Tài chính Mông Cổ; Ủy Ban chứng khoán Malaysia… cũng đã có những chia sẻ về các kinh nghiệm, bài học và cơ hội sử dụng nguồn trái phiếu xanh.
P.G