Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho vay cá nhân từ mua, sửa nhà với nguồn tiền trả nợ từ lương thì hạch toán vào cho vay tiêu dùng, còn cho doanh nghiệp vay phát triển dự án là cho vay bất động sản.
Trong ba năm trở lại đây, tín dụng tiêu dùng luôn đạt mức tăng trưởng bình quân trên 20%. Đây cũng là cánh cửa để các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính tăng biên lợi nhuận.
Xu hướng tăng trưởng mạnh
NHNN mới đây ban hành Chỉ thị 04/2018 NHNN yêu cầu: "Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản".
Việc NHNN siết tín dụng tiêu dùng khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi mức tăng trưởng này còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực, thị trường còn nhiều tiềm năng để các tổ chức tín dụng tiếp tục khai thác. Hơn nữa, việc phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế được tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Trong một báo cáo cập nhật vĩ mô gần đây, công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo tăng trưởng cao trong ba năm tới khi các hộ gia đình sẵn sàng tăng chi tiêu.
Trên thực tế, theo phân tích của các chuyên gia ngành ngân hàng, Chỉ thị của NHNN không "siết" tín dụng tiêu dùng, mà chỉ nhắm vào tín dụng bất động sản lâu nay "ẩn nấp" trong tín dụng tiêu dùng.
Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đã nhiều lần cảnh báo tín dụng tiêu dùng đang tăng mạnh kể từ cuối năm 2015 đến nay. Năm 2017, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng mạnh từ hai năm trước đó, đạt mức tăng 65%, chiếm tỷ trọng khoảng 18% trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Thống kê cho thấy, hiện dư nợ cho vay từ mua nhà, sửa nhà chiếm trên 50% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng (tập trung ở khối ngân hàng thương mại). NHNN định hướng giảm dần dư nợ cho vay với tín dụng tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia cho rằng NHNN đã nhìn thấy những rủi ro khi vốn đổ vào bất động sản "núp bóng" tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng và muốn ngăn chặn tình trạng này.
Trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN và Thông tư 43/2016/ TT-NHNN để quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng và các công ty tài chính, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển an toàn, hiệu quả. Song, không ít chuyên gia cho rằng độ rõ ràng vẫn chưa thực sự được đảm bảo, dẫn tới một số ngân hàng còn nhập nhằng tín dụng bất động sản và tín dụng tiêu dùng.
Tín dụng tiêu dùng là một kênh tăng biên lợi nhuận hiệu quả |
Cần phân chia hệ số rủi ro
Các chuyên gia cho rằng NHNN nên bóc tách khoản cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà ra khỏi cho vay tiêu dùng để quản trị rủi ro. "Nếu các khoản vay này tách ra khỏi tín dụng tiêu dùng, tăng trưởng lĩnh vực này rất có thể sẽ giảm mạnh mà không cần siết chung tín dụng tiêu dùng", một chuyên gia kiến nghị.
Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản núp bóng tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các ngân hàng, bởi đây thường là các món vay có thời hạn dài, trong khi nguồn vốn của các ngân hàng lại chủ yếu là ngắn hạn, nhưng khi được để chung vào tín dụng tiêu dùng thì hệ số rủi ro sẽ thấp, ngân hàng sẽ khó quản lý.
Bên cạnh đó, nếu tách riêng tín dụng tiêu dùng và cho vay nhà ở riêng biệt thì cho vay tiêu dùng chỉ chiếm 12% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong khi đó, nếu tính đầy đủ, tín dụng bất động sản hiện chiếm 15 – 20% tổng dư nợ của nền kinh tế, là con số khá cao, sẽ là nguy cơ thúc đẩy đầu cơ, tiềm ẩn khả năng "bong bóng" sau này.
Nhìn sang một số thị trường lân cận, bài học rót vốn từ hệ thống các ngân hàng vào lĩnh vực chứng khoán hay bất động sản dưới "mác" tín dụng tiêu dùng từng xảy ra tại Trung Quốc và Thái Lan chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khi tách cho vay mua nhà ra khỏi tín dụng tiêu dùng phải sửa đổi Thông tư 36.
Hiện, quy định về hệ số rủi ro các khoản vay bất động sản là 200%. Khi bóc tách vẫn tính cho vay nhà là cho vay bất động sản và áp theo hệ số rủi ro 200% – các ngân hàng không dám cho vay nhiều, khiến cho nhu cầu vay mua nhà, sửa chữa nhà của người dân bị hạn chế.
Vì vậy, chuyên gia này kiến nghị nên phân chia cho vay bất động sản thành 4 phân khúc tương ứng với hệ số rủi ro khác nhau: 100%, 125%, 150% và 200% để công bằng hơn trong cho vay bất động sản, nhưng vẫn giải quyết nhu cầu đa dạng về vốn cho người dân.
Hoàng Hà