Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành công văn chấn chỉnh hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Nội dung công văn yêu cầu các công ty tài chính phải tăng cường kiểm soát nội bộ, tăng kiểm tra, giám sát hệ thống, nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật về cho vay tiêu dùng và đòi nợ…
Giành giật miếng bánh thị phần
Theo các chuyên gia, thời gian qua, sức hấp dẫn của tín dụng tiêu dùng đã "lôi kéo" được nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường, đồng nghĩa với sức cạnh tranh thị phần ngày càng lớn.
Một số công ty trước đây vốn được xem là "gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai công ty tài chính tiêu dùng thuộc nhóm đứng đầu hiện nay là FE Credit (thuộc VPBank) và HDSaison (thuộc HDBank) chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng chưa tới 5% trong nửa đầu năm.
Đến hết tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng của FE Credit mới đạt khoảng 4% và chiếm 22% trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng hợp nhất, đóng góp khoảng 36% vào tổng lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất, giảm hơn 10% so với cùng kỳ.
HDSaison cũng gặp cảnh tương tự, trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ HDBank đạt hơn 16%, tỷ lệ của HDSaison chưa tới 5%.
Đại diện một công ty tài chính tiêu dùng cho biết, việc nhiều ngân hàng chọn tài chính tiêu dùng là hướng phát triển mũi nhọn, cùng với đó nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào công ty tài chính tiêu dùng khiến cuộc đua giành giật "miếng bánh thị phần" càng thêm căng thẳng.
Điều này bắt buộc các công ty tài chính tiêu dùng phải tái cơ cấu lại để cạnh tranh phát triển. Tổng Giám đốc FE Credit, ông Kalidas Ghose, cũng cho biết một trong những lý do của việc sụt giảm trong hoạt động kinh doanh là việc chấn chỉnh lại hoạt động cho vay tiêu dùng. FE Credit gặp phải một số phàn nàn của khách hàng về sự thiếu công bằng trong công tác thu hồi nợ và điều này là lý do khiến công ty phải điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp.
Thực tế, thời gian qua, lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng ngày càng hạ, tiệm cận với cho vay bằng thẻ và tín dụng ngân hàng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, động thái này của các công ty tài chính tiêu dùng ngoài mục đích thu hút khách hàng, gia tăng thị phần, còn thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng từ tăng trưởng nóng dần đi vào ổn định, minh bạch và bền vững hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn còn dấu hiệu biến tướng, chủ yếu ở một số công ty, tổ chức hoạt động phi chính thức, chứ không phải từ các công ty tài chính tiêu dùng đã được cấp phép.
Tăng trưởng tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng đã bớt nóng |
Song hành "chất" và lượng
Lãnh đạo một công ty tài chính tiêu dùng cho biết, hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép sẽ không dám "làm liều", bởi sẽ bị cơ quan quản lý "tuýt còi".
Ngoài ra, nếu dùng "xã hội đen" đòi nợ, hoặc gây bức xúc cho người tiêu dùng, đồng nghĩa với việc tự đánh mất thương hiệu của mình và chắc chắn thị phần sẽ giảm sút.
"Sức cạnh tranh trên thị trường hiện nay rất lớn, nếu không hài lòng, khách hàng sẵn sàng tìm đến những công ty khác uy tín hơn", vị này nói.
Theo các chuyên gia, nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng gia tăng. CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh, dự báo sẽ tiến tới mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm.
Thống kê cho thấy, ngoài các ngân hàng cho vay tín dụng tiêu dùng còn có gần 20 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng không phải dễ dàng bởi thủ tục vay còn rườm rà, phức tạp. Trong khi đó, với các công ty tiêu dùng, người dân tiếp cận nguồn vốn nhanh, dễ dàng, nhưng dư nợ của khu vực này mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng dư nợ thị trường cho vay tiêu dùng.
Do đó, giải pháp cần thiết hiện nay là tạo môi trường kinh doanh cởi mở để các công ty tài chính thành lập ngày càng nhiều, tránh thị phần dồn quá lớn vào một số doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh về lãi suất, giúp người tiêu dùng hưởng lợi.
Mặt khác, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa ra các quy định chặt chẽ để ngăn chặn và xử lý các hình thức biến tướng, lợi dụng vay tiêu dùng để giăng bẫy "tín dụng đen".
Theo Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngành ngân hàng, để phát triển bền vững thị trường tài chính tiêu dùng cần có rất nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ.
"Cần phải thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội đối với vai trò của cho vay tiêu dùng. Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như là giáo dục tài chính, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng", ông Lực khuyến cáo.
Hoàng Hà