Tổng hợp dư nợ xấu tại báo cáo tài chính quý I/2021 của các ngân hàng. |
Thống kê tổng nợ xấu của 30 nhà băng đến hết ngày 31/3 lên đến hơn 93 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm nợ bán cho VAMC), tương ứng mức tăng 5,3% so với cuối năm 2020. Trong đó, BIDV dẫn đầu với 21.700 tỷ đồng. Tiếp theo là VietinBank với 10.400 tỷ đồng và 8.900 tỷ đồng là nợ xấu ghi nhận tại VPBank. Vietcombank đứng vị trí thứ 4 với gần 7.700 tỷ nợ xấu. SHB ghi nhận 5.865 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 5.
Những vị trí tiếp theo lần lượt là: Sacombank (5.292 tỷ đồng), MB (4.185 tỷ đồng), VIB (3.065 tỷ đồng), ACB (2.954 tỷ đồng), HDBank (2.835 tỷ đồng).
Đáng lưu ý, trong nhóm 10 ngân hàng có nợ xấu cao nhất trong hệ thống hiện nay, nợ xấu của ACB tăng mạnh nhất lên đến 60,5%, tiếp đó là Vietcombank tăng 47,2%, MB tăng 28,8%, HDBank tăng 20,3%, NamABank tăng 19,2%...
Tuy nhiên, trong xu hướng nợ xấu tăng nhanh tại nhiều ngân hàng, thì có 8 nhà băng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm trước, bao gồm: Kienlongbank, ABBank, MSB, Seabank,VIB, Sacombank, NCB, Vietcombank, VietinBank và Techcombank.
Kienlongbank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm sốc tới 3,85 điểm %, từ 5,42% (31/12/2020) về chỉ còn 1,57% vào cuối tháng 3/2021. Lý do, ngân hàng đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm liên quan đến dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank. Đồng thời, ngân hàng cũng đã hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi dự thu này.
Những ngân hàng còn lại có nợ xấu giảm nhẹ: Techcombank giảm 12%, VietinBank giảm 6%, Sacombank giảm 8%, SeABank giảm 1%, BacABank giảm 4%.
Nhìn chung, bức tranh nợ xấu trong quý 1/2021 dường như còn tốt hơn so với cuối năm 2020, bất chấp nhiều dự báo trước đây rằng nợ xấu sẽ "bung" ra trong năm 2021.
Dù vậy, đây mới chỉ là những con số nợ xấu nội bảng dễ nhận thấy trên bảng cân đối kế toán của các nhà băng. Trong khi đó, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng.
Các chuyên gia cho rằng sang quý II/2021 nợ xấu tiếp tục tăng tại một số ngân hàng, cũng phản ánh bước chuyển nhóm nợ đã bắt đầu có sự dịch chuyển theo quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Rất có thể các ngân hàng sẽ "phân bổ" nợ xấu theo hướng chuyển nhóm dần trong năm để có tỷ trọng vừa đúng thực tế, vừa khớp quy định phân loại và trích lập cho các nhóm nợ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tác động của đợt Covid-19 mới, nợ xấu có thể trở nên đáng quan ngại hơn. Nợ xấu năm nay vì thế, sẽ khó "đẹp" như 2020, và điều đó cũng sẽ khiến các nhà băng càng thận trọng hơn đối với các khoản vay. Bởi vậy, các doanh nghiệp phụ thuộc vốn tín dụng cần chuẩn bị kịch bản dự phòng cho vấn đề này.
Trong báo cáo phân tích mới đây, ngân hàng HSBC cũng lưu ý rằng, mặc dù nợ xấu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Việt chỉ tăng nhẹ vào năm 2020, nhưng nên lưu ý đến rủi ro nợ xấu có hệ thống đang gia tăng. Nếu tính cả các "khoản cho vay bị suy giảm giá trị", nợ xấu ước tính sẽ tăng từ dưới 5% vào năm 2019 lên 7% năm 2020.
HSBC cũng giải thích các khoản cho vay bị giảm giá trị là định nghĩa rộng hơn về nợ xấu, bao gồm thêm các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản vay được cơ cấu lại theo Quyết định 780.
H.Anh